Dấu ấn từ những chương trình đột phá

Cập nhật: 13-10-2020 | 07:57:03

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục phát huy tinh thần kế thừa và đổi mới, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều thành quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả đạt được là tổng hợp của nhiều yếu tố, nhiều nguồn lực, trong đó một phần lớn là nhờ tỉnh đã chọn và thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động đột phá phát triển.

Những công trình giao thông kết nối khu vực là điểm nhấn trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Khởi công xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh  vào sáng qua. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng

Mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2016-2020 được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đó là: Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển công nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Giải quyết các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát đó, Đảng bộ tỉnh đã tập trung thực hiện 4 chương trình đột phá, trong đó có Chương trình số 23 về “Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực. Gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

SAU 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ĐỘT PHÁ SỐ 23, VỚI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ TỪ TỈNH ĐẾN HUYỆN, THỊ, THÀNH PHỐ VÀ CÁC NGÀNH, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN, HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG CỦA TỈNH ĐƯỢC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN VÀ NHANH CHÓNG PHÁT HUY TÁC DỤNG, NHẤT LÀ ĐỐI VỚI HẠ TẦNG GIAO THÔNG.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động đột phá số 23, với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện và nhanh chóng phát huy tác dụng, nhất là đối với hạ tầng giao thông.

Đồng chí Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát cho biết, hạ tầng giao thông phát triển, kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm đi qua như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4… đã tạo thuận lợi rất lớn cho TX.Bến trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các tuyến đường nội ô thị xã cũng được đầu tư mở rộng tạo điều kiện để TX.Bến Cát dễ dàng kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh, kết nối với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên. Ngoài ra, các tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Giao thông phải đi trước một bước - đó tầm nhìn của Bình Dương trong chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nhiều năm qua. Chỉ khi hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển, kết nối thuận lợi thì mới mở ra cơ hội phát triển. Đó là thực tế đã được chứng minh nhất là đối với những địa phương như Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, hay Phú Giáo. Đồng chí Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết quan điểm của huyện về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là nhiệm vụ quan trọng, phục vụ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Do đó, thời gian qua việc huy động vốn đầu tư đã được huyện phát huy từ mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng đồng bộ. Trong đó nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả các công trình.

Trong những năm qua, tỉnh đã bố trí và sử dụng nguồn vốn ngân sách một cách hiệu quả để đầu tư cho các công trình trọng điểm, tạo lực; đồng thời, huy động tốt các nguồn lực xã hội, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, nổi bật là tỉnh đã tập trung đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa và khai thông các điểm nghẽn về giao thông kết nối vùng và quốc gia, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tạo ưu thế và tăng tính cạnh tranh của tỉnh.

Đô thị ngày càng khang trang

Sau 23 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Dương đã vươn mình mạnh mẽ và trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Không những có nhiều dấu ấn phát triển vượt bậc về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp mà diện mạo đô thị của tỉnh cũng đang thay đổi từng ngày.

Để có được những đổi thay ngoạn mục đó, trong những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung phát triển đô thị theo Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy về Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Song song với công tác hoàn thiện quy hoạch chung và quy hoạch phân khu các đô thị, các xã; đầu tư xây dựng đô thị mới, tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp đô thị hiện hữu. Hiện nay đô thị Thủ Dầu Một đã nâng từ loại II lên loại I vào năm 2017; đô thị Thuận An và Dĩ An nâng từ loại III lên loại II vào tháng 2-2020; đô thị Bến Cát và Tân Uyên nâng từ loại IV lên loại III vào năm 2018; 3 trung tâm huyện phía Bắc đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V gồm: Thị trấn Lai Uyên, thuộc huyện Bàu Bàng; thị trấn Tân Thành và thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên.

 Trong 5 năm (2016-2020), tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng như: Đường Mỹ Phước - Bàu Bàng; xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, đường Thủ Biên - Đất cuốc; cầu Bạch Đằng 2; đầu tư nâng cấp đường ĐT743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần và nhánh rẽ cầu vượt Sóng Thần; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; ĐT746; ĐT747B; đường từ cầu Thới An đến ĐT748; đường Lê Chí Dân; giao lộ ngã tư Phú Thứ...

Đồng chí Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết các đô thị của tỉnh khi được công nhận, xếp loại có điểm khá cao so với quy định chung. Có những chỉ tiêu còn vượt mức cao nhất so với quy định chung. Điều đó để chứng tỏ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Bình Dương đang được đầu tư một cách rất bài bản, mang tính hệ thống để có diện mạo đô thị như ngày hôm nay.

Có thể nhận thấy, chủ trương đô thị hóa luôn được tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh, với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, đã góp phần cải thiện bộ mặt đô thị chung của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phúc lợi công cộng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân. Ngày nay có thể dễ dàng nhận thấy diện mạo đô thị Bình Dương đã thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại với nhiều công trình mới được đầu tư xây dựng. Bên cạnh Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với khu đô thị quy mô 1.000ha hiện đang được triển khai một cách đồng bộ, trên địa bàn còn có hệ thống các công trình chung cư dọc đại lộ Bình Dương đã và đang hình thành như Habitas, các dự án trung tâm thương mại như: Aeon Mall, Lotte cũng đang tạo điểm nhấn cho các đô thị. Hiện tỉnh cũng đang thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, có khả năng tài chính cao để phát triển một số đô thị mang tính chất đô thị nén như: Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An.

Trong quá trình phát triển đô thị, những năm gần đây, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Đến nay, việc triển khai đề án từng bước hình thành khung nền của mô hình 3 nhà (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường); phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ và khởi nghiệp; hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu được hình thành và hoạt động với các dự án Vườn ươm doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nhìn chung, đề án đạt được những thành tựu và đóng góp nhiều ý tưởng có giá trị, thiết thực.

Đây là nền tảng để triển khai nhiều chương trình, dự án cụ thể, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh trên trường quốc tế.

Ông Phạm Văn Thiện (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên):
Chứng kiến Bình Dương từng bước chuyển mình thay đổi khởi sắc, người dân rất vui mừng. Ở xã tôi, giờ đây nhiều con đường bê tông được trải rộng. Mô hình trồng cây có múi phát triển, đời sống bà con và kinh tế địa phương đều phát triển. Có được thành quả này chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, chung sức của bà con nhân dân trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ qua đi vào cuộc sống. Tôi rất kỳ vọng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI sẽ đề ra các quyết sách để tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa...”.
Anh Hoàng Văn Chung (công nhân làm việc tại Cụm công nghiệp phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên):
Tôi đã nghe tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ tỉnh và cũng rất quan tâm đến sự kiện chính trị trọng đại này. Vào Bình Dương lập nghịêp được 7 năm, làm việc tại một công ty đã giúp tôi ổn định đời sống. Thấy đường sá, khắp nơi treo cờ, băng rôn, áp phích chào mừng đại hội, lòng tôi cũng rất vui. Tôi cảm nhận không khí hân hoan, rạo rực trước ngày hội lớn, lại càng thêm yêu, thêm tự hào về sự phát triển của tỉnh Bình Dương. Trong đó có những chủ trương chăm lo cho công nhân lao động được tỉnh quan tâm thực hiện. Với tôi, Bình Dương đã trở thành quê hương thứ hai.
Anh Nguyễn Thiện Thành (Hội Liên hiệp Thanh niên phường Bình An, TP.Dĩ An):
Tôi mong muốn trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thanh niên; thu hút, tập hợp thanh niên tích cực tham gia công tác Đoàn. Qua đó, góp phần giúp hoạt động Đoàn có nhiều thành tựu mới; đồng thời có những giải pháp thiết thực để tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ có cơ hội, môi trường khẳng định bản thân, được cống hiến và trưởng thành... Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ với hành trang, tiếp nối truyền thống, sáng tạo, cống hiến, sẽ trưởng thành, xứng đáng với kỳ vọng của lớp lớp người đi trước.
 Ông Nguyễn Đức Thuận (Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TP.Dĩ An):
Tôi thấy công tác chuẩn bị tổ chức đại hội lần này hết sức chu đáo; công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng đến các cán bộ, đảng viên và nhân dân; các tuyến đường khang trang sạch đẹp, trang trí cờ hoa, khẩu hiệu tạo không khí tưng bừng, phấn khởi trong mỗi người dân. Nhìn lại, trong 5 năm qua, Bình Dương đã có sự thay đổi rõ nét, toàn diện từ kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… Tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu của nhân dân, làm thay đổi rõ rệt diện mạo của Bình Dương so với những năm trước đây. Trong nhiệm kỳ tới, tôi hy vọng tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong 5 năm qua, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Lợi (giáo viên):
Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức; quan tâm và có những quyết sách nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cấp học, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ ngành giáo dục - đào tạo; có chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên, tạo môi trường để họ được rèn luyện, trưởng thành, cống hiến…
Trương Diễm Linh (Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một):
Là một sinh viên, tôi kỳ vọng thời gian tới công tác phát triển Đảng trong sinh viên, đoàn viên thanh niên sẽ tiếp tục được quan tâm. Bởi, những người trẻ thường là những người có nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo, mới lạ nổi bật để có thể góp phần vào sự phát triển. Tôi cũng mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ sinh viên về việc làm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là những bạn sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt các cấp. Bởi, đây là một danh hiệu cao quý, để đạt danh hiệu này sinh viên phải đạt cả 5 tiêu chí: “Học tập tốt - Đạo đức tốt - Tình nguyện tốt - Hội nhập tốt - Thể lực tốt”….
N.NHƯ - NHƯ Ý - H.THỦY (thực hiện)

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=777
Quay lên trên