Đầu năm học mới: Nỗi lo các khoản phí

Cập nhật: 10-09-2015 | 08:26:02

Một năm học mới nữa lại đến. Dù các trường tổ chức khai giảng vào ngày 5-9, nhưng học sinh (HS) đã học chính thức từ 2 tuần trước đó. Giờ đây, hoạt động giảng dạy ở các trường đã đi vào nề nếp. Được sự chăm lo của gia đình, nhà trường, xã hội, tất cả HS đều được đến trường. Và đến hẹn lại lên, cứ bước vào năm học mới phụ huynh lại canh cánh nỗi lo khi có con em đến trường. Dưới đây là những câu chuyện chúng tôi góp nhặt được vào đầu năm học mới 2015-2016 này.

Học sinh trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên) phấn khởi bước vào năm học mới (ảnh minh họa)

1. Bước vào năm học mới, phụ huynh tất bật chuẩn bị mua sắm cho con em, từ sách vở, dụng cụ học tập, quần áo… để con em đến trường được tươm tất. Bao nhiêu đó vẫn chưa là nỗi lo của phụ huynh trước thềm năm học mới, mà lo nhất là các khoản phí đầu năm. Trong tuần lễ đầu tiên, phụ huynh được nhà trường thông báo các khoản phí phải nộp đầu năm. Trong đó có khoản thu phục vụ lại, khoản tự nguyện như bảo hiểm y tế, thân thể do nhà trường thu hộ. Bình quân mỗi HS đóng trên 10 khoản thu các loại. Dù là những khoản thu trong quy định, nhưng phụ huynh cũng chật vật khi có con đang trong độ tuổi đến trường. Ngoài những khoản thu trên, hầu như trường nào cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm cho trường, có trường gọi là quỹ dự phòng. Khoản này không kê khai vào danh mục HS phải đóng, nhưng với phụ huynh đây gần như là bắt buộc. Bởi phụ huynh này đóng thì phụ huynh khác cũng phải đóng, dù điều kiện kinh tế có eo hẹp. Ngay cả những khoản thu hộ như bảo hiểm các loại, dù đây là khoản tham gia tự nguyện, nhưng có trường cũng khuyến khích HS nên tham gia.

2. Câu chuyện thứ hai là đồng phục HS. Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), tiêu chuẩn đồng phục là áo sơ mi và quần tây hoặc bộ áo dài truyền thống. Riêng Sở GD-ĐT, những năm trước cũng đã quy định đồng phục HS là áo trắng, quần xanh và đồng phục áo dài đối với HS nữ THPT. Để không gây khó khăn cho phụ huynh vào đầu năm học, ngành nhắc nhở các trường không quy định đồng phục riêng và không in logo trường vào áo. Nhưng thực tế vẫn còn có trường in logo lên áo, điều đó buộc phụ huynh phải mua đồng phục của trường cho con em.

3. Trong những ngày đầu năm học, chúng tôi còn nghe HS phàn nàn về việc nộp hình thẻ cho trường. Lẽ ra đây là chuyện nhỏ nhưng lại trở thành không nhỏ với cách xử lý của nhà trường. Khi các em nộp hình, nhà trường cho rằng loại giấy tiệm chụp hình sử dụng đóng dấu không dính nên kêu gọi các em chụp lại trong trường. Nếu như nhà trường có quy định từ đầu thì HS đâu phải 2 lần tốn kém chi phí cho việc chụp hình.

4. Đầu năm học mới mà nhắc đến chuyện dạy thêm - học thêm thì nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế có nơi đã xảy ra tình trạng này. Mới đầu năm học, giáo viên đã cho HS số điện thoại, địa chỉ nhà để học thêm. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học cấp tiểu học, bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, nếu giáo viên thực hiện tốt Thông tư 30 về việc thay đổi điểm số bằng nhận xét thì HS không cần học thêm. Vì thực hiện theo thông tư này giáo viên không còn cho điểm HS. Bà cũng yêu cầu Phòng GD-ĐT và Ban Giám hiệu các trường chấn chỉnh triệt để tình trạng dạy thêm- học thêm, xử lý mạnh những giáo viên tổ chức dạy thêm.

Làm cha mẹ ai cũng có trách nhiệm nuôi con khôn lớn, tạo điều kiện cho con được học tập nâng cao trình độ. Nhưng trong cuộc sống có quá nhiều khoản chi tiêu, trong khi giá cả một số sinh hoạt phí thì đắt đỏ, vậy nên đừng làm khó phụ huynh vào mỗi đầu năm học mới.

 

 H.THÁI

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên