Đấu nối nước thải đô thị: Vì chất lượng cuộc sống, đô thị văn minh

Cập nhật: 02-11-2020 | 09:16:07

 Với mục tiêu nâng cao chất lượng sống, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường đô thị, những năm qua Bình Dương đã đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Để nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ.

 Nước sau khi được xử lý đạt quy chuẩn chất lượng. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Quan trắc lấy mẩu kiểm định tại Nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên

 Đầu tư hạ tầng

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, cũng như chương trình phát triển đô thị của tỉnh, những năm qua Bình Dương đã chú trọng tập trung đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, giai đoạn I với công suất thiết kế 17.650m³/ ngày đêm”. Ông Ngân cho biết thêm hiện đang mở rộng tuyến thu gom của dự án giai đoạn 2 (phạm vi lưu vực phục vụ gồm phần còn lại của TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An, công suất thiết kế 17.000m³/ngày đêm); khu vực TP.Dĩ An (giai đoạn 3), công suất thiết kế 17.000m³/ ngày đêm; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cụm chùa Thầy Thỏ (công suất thiết kế 15.000m³/ngày đêm).

Xây dựng dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương là một trong những động thái tích cực của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải Thuận An được đi vào hoạt động từ năm 2017, công suất xử lý 17.000m3/ngày đêm x 4. Nhà máy được đầu tư hiện đại, chất lượng nước bảo đảm quy chuẩn và thân thiện môi trường.

Cùng với đó, Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An, thuộc tiểu dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, là một phần trong dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, có tổng mức đầu tư hơn 115 triệu USD. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động tháng 11-2018. Việc khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP.Dĩ An, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, công suất vận hành của nhà máy khoảng 8.500 - 9.000m3/ ngày đêm, đạt 42,5 - 45% công suất thiết kế (20.000m3/ngày đêm), nước thải sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A) trước khi thải ra môi trường.

Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, đại diện Ban Quản lý dự án, cho biết: “Nước thải sinh hoạt thu gom về nhà máy được trung tâm giám sát, tự động khử mùi, khử trùng với công nghệ hiện đại, bảo đảm nước đã qua xử lý đạt chuẩn A trước khi xả ra môi trường, góp phần tích cực hiệu quả vào việc giữ an toàn cho nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai. Việc thu gom và xử lý tốt nước thải cũng chính là bảo vệ tốt nguồn nước, bảo vệ tốt môi trường sống”.

Nâng cao tỷ lệ đấu nối

Việc nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường sẽ góp phần bảo vệ môi trường, từng bước chỉnh trang diện mạo đô thị, xây dựng một thành phố văn minh, sạch đẹp và người dân được hưởng lợi từ lợi ích này. Ông Bùi Văn Út, 70 tuổi, số nhà 1/5, khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, chia sẻ: “Nhà nước đã làm hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, tôi đăng ký đấu nối thuận tiện. Thuận An đã lên thành phố, cần phải chung tay xây dựng một môi trường sạch đẹp, văn minh. Đấu nối hạ tầng thoát nước sẽ góp phần bảo vệ môi trường, là trách nhiệm của người dân với cộng đồng”.

UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường triển khai công tác đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng đấu nối phải đấu nối vào hệ thống thu gom nhằm nâng cao tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải chung đô thị vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó cần có sự chung tay của các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Qua đánh giá, tỷ lệ đấu nối hệ thống nước thải của người dân vẫn còn thấp. Trước tình hình này, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương để sở tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện chủ trương của tỉnh, góp phần nâng cao tỷ lệ đấu nối hệ thống nước thải, góp phần giải quyết vấn đề xử lý nước thải, nâng cao chất lượng môi trường sống trên địa bàn các đô thị của tỉnh nói chung”. Ông Võ Hoàng Ngân cho biết trước mắt Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương sẽ thực hiện các giải pháp vận động, thuyết phục người dân; tiến hành thủ tục thẩm định, cấp giấy phép xây dựng cũng như cấp giấy phép cải tạo các công trình hiện hữu thuận lợi nhất cho người dân trong đấu nối nước thải”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1006
Quay lên trên