Thực hiện Chương trình số 18 của Huyện ủy về kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Dầu Tiếng, UBND huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững (gọi tắt là đề án).
Mở ra nhiều cách làm mới
Thực hiện đề án, UBND huyện đã hoàn chỉnh quy hoạch, cơ chế, chính sách làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Trung Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết qua việc triển khai thực hiện đề án đã giúp thay đổi tư duy của người dân về nhu cầu và quyết tâm đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có 650 ha cây ăn quả. Nổi bật, tại 2 xã Thanh Tuyền, Thanh An, hàng năm nông dân trồng măng cụt, sầu riêng đều đạt giải cao tại hội thi trái ngon miền Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, huyện thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh.
Thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng chuyển dịch mạnh mẽ. Trong ảnh: Công nhân xử lý sản phẩm thu hoạch từ mô hình chuối cấy mô của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng
Cùng với đó, địa phương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại các xã Minh Hòa, Minh Thạnh. Huyện cũng đầu tư xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân, thuốc thông qua hệ thống tưới cho cây ăn quả tại các xã Định Thành, Minh Hòa, Thanh An với diện tích 21 ha. Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Về sinh vật cảnh, đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 12 ha sinh vật cảnh, trong đó trang trại hoa lan Mai Quốc Thái ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa có diện tích 6,5 ha được xác định là cơ sở trồng lan đạt hiệu quả nhất. Giá trị sản xuất sinh vật cảnh của huyện đạt từ 900 triệu - 1,1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 600 triệu đồng/ha/năm.
Riêng lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2017 đến nay huyện đã chấp thuận chủ trương xây dựng mới 11 trang trại chăn nuôi heo, 16 trang trại chăn nuôi gia cầm tại các xã Long Hòa, Minh Thạnh, An Lập, Định An và Long Tân. Như vậy, đến nay toàn huyện có 219 trang trại chăn nuôi...
Nâng cao hiệu quả
Theo UBND huyện, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cùng với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, thời gian qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tăng cao, ổn định qua các năm. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay kinh tế huyện nhà tăng 13 - 14%/năm; năm 2018 cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 28,30%, thương mại - dịch vụ chiếm 32%, công nghiệp - xây dựng 39,7%. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 55 triệu đồng; tỷlệhộnghèo theo tiêu chí của tỉnh còn 1,03%.
Có thể thấy, qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện mạo nông nghiệp, nông thôn huyện Dầu Tiếng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ: Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; hình thành vùng hàng hóa gắn với thị trường; nhiều sản phẩm nông nghiệp được khách hàng ưa chuộng... Huyện cũng đang tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy vậy, con đường tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà phía trước còn nhiều thử thách, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn nữa của các cấp, các ngành và người dân trong huyện.
Toàn huyện hiện có 102 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn huyện đã hình thành được vùng sản xuất chuối nuôi cấy mô với diện tích 117.08 ha tại xã Thanh An do Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I đầu tư, cung cấp sản phẩm ra thị trường nước ngoài. |
HỒNG NGA