Ngành công nghiệp: Chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất

Cập nhật: 29-07-2019 | 09:02:37

Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. 

Giữ đà tăng trưởng khá

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã ký được đơn hàng sản xuất, xuất khẩu đến hết quý III-2019, một số DN đã ký đơn hàng cho cả năm 2019.

Theo Sở Công thương, trong những tháng đầu năm, tuy nền kinh tế trong nước và thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng tiếp tục phát triển ổn định. Điều này chứng tỏ việc tỉnh thực hiện tốt các nhóm giải pháp của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN.


Ngành công nghiệp Bình Dương tiếp tục đà tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (TX.Bến Cát). Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, với những tác động tích cực từ việc đẩy mạnh cải cách thểchế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Chính phủ và việc xóa bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này.

Từ những thuận lợi nói trên, các hiệp hội ngành hàng như dệt may, sơn mài và điêu khắc, chế biến gỗ, gốm sứ, cơ điện, da giày... trên địa bàn tỉnh đã và đang hoạt động hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua sở thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, hiệp hội ngành hàng để tham mưu UBND tỉnh, Bộ Công thương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh.

Hiện Sở Công thương đang điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó, sở triển khai thực hiện 5 đề án để giữ đà tăng trưởng, như: Đề án nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ và hàm lượng tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án định hướng ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Giải pháp tiên quyết

Để bắt nhịp với xu thế hội nhập, các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chú trọng cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng kịp thời nhu cầu các đơn hàng. Với ngành gỗ, các DN trong tỉnh đang đứng trước cơ hội thị trường quốc tế đang rộng mở. Hiện các DN gỗ Bình Dương đang thay đổi tư duy quản lý theo mô hình chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng đến 34,7% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Theo bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, hiện nhiều DN chế biến gỗ đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại. Việc đầu tư máy móc, công nghệ mới sẽ giúp công ty nâng cao năng suất lao động, gảm thiểu lao động chân tay… từ đó tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Còn lãnh đạo Công ty Minh Long I cho biết thời gian qua công ty liên tục đổi mới công nghệ nhằm nâng tầm chất lượng sản phẩm, điển hình là thành công trong việc tạo ra đột phá công nghệ sản xuất gốm sứ một lần nung. Hiện công ty sử dụng robot trong các quy trình sản xuất. Việc sử dụng robot cũng là một bước đệm để công ty chuyển mình theo hướng tự động hóa quy trình sản xuất.

Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho hay đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị hiện là giải pháp sống còn đối với các DN gỗ trong nước. Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lao động; quan tâm tốt hơn đời sống của người lao động để họ gắn bó lâu dài với DN. Một thách thức lớn mà ngành gỗ trong nước phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta có thể phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Thương mại Mỹ khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới…

“Đứng trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghệ mới, các DN cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để tăng tốc phát triển. Cùng với đó, các DN phải ưu tiên tính hiệu quả trong đầu tư vào những dây chuyền công nghệ mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải; đồng thời đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho mô hình kinh doanh mới...”

(Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ)

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên