Những năm qua, huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm thực hiện quy hoạch, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh huyện nhà. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các khu, cụm công nghiệp, đang thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh.
Với việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính… ngành công nghiệp huyện Dầu Tiếng đang có cơ hội bứt phá. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ván sàn An Dương, Cụm công nghiệp Thanh An. Ảnh: HỒNG NGA
Bên cạnh Cụm công nghiệp Thanh An đã đi vào hoạt động, thời gian qua huyện đã hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án Cụm công nghiệp An Lập; phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trình tỉnh bổ sung thành lập 2 cụm công nghiệp tại xã Thanh An với diện tích 150ha. Cùng với đó, địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 969 ha và dự án mở rộng Khu công nghiệp An Điền giai đoạn 3 với diện tích 381,21 ha trên địa bàn 2 xã An Lập và Thanh Tuyền.
Song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, huyện Dầu Tiếng luôn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ổn định. Hiện trên địa bàn huyện, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, chủ yếu chế biến gỗ cao su, mủ cao su, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 13.200 lao động.
Trong 8 tháng năm 2019, giá trị sản xuất của huyện Dầu Tiếng đạt 9.333 tỷ 456 triệu đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng là 3.850 tỷ 633 triệu đồng, tăng 22,5%, giá trị thương mại - dịch vụ đạt 3.425 tỷ 415 triệu đồng, tăng 12%, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.067 tỷ 266 triệu đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. |
Trên tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Theo đó, huyện tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường... Địa phương cũng duy trì và mở rộng các dịch vụ thực hiện trên hệ thống “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… Những giải pháp này đã góp phần quan trọng để ngành công nghiệp huyện nhà phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng trên 20%/ năm, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong toàn huyện đến nay còn 0,55%.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết xác định thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, những năm qua huyện đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối với các địa phương lân cận. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh; gắn phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, điểm du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Địa phương định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; thu hút các dự án có công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các gia đình tham gia phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thành lập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp để tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, huyện sẽ xây dựng, phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 lên 36%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng. Huyện cũng sẽ sớm đưa vào khai thác Khu du lịch sinh thái núi Cậu.
HỒNG NGA