Đầu tư mạnh cho giao thông đường thủy

Cập nhật: 30-06-2015 | 07:41:37

Bình Dương được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Qua nhiều năm tích cực vận động, hợp tác, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), UBND TP.Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương vừa phối hợp tổ chức lễ động thổ dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn bằng hình thức đầu tư Xây dựng - Vận hành- Chuyển giao (BOT).

 Cảng An Sơn đã cơ bản hoàn thành với 2 cần cẩu chuyên dụng, công suất 45 tấn, cho phép tàu sông tải trọng 2.200 tấn ra vào thuận tiện

Tầm nhìn xa

“Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, những năm qua Bộ GTVT đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Tổ hợp cải tạo luồng lạch, khơi thông sông Sài Gòn cho tàu có tải trọng lớn lưu thông bằng hình thức đầu tư BOT là mô hình mới, vừa phát huy tiềm năng lợi thế của dòng sông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa có thể nhân rộng trong tương lai...”.

(Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT)

 

Hơn 10 năm trước, khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Hồ Minh Phương đã rất tích cực xúc tiến, hợp tác với TP.Hồ Chí Minh xây dựng các cầu trên sông Sài Gòn như cầu Bến Súc, Phú Cường, Phú Long... Các cây cầu này đã giúp kết nối giao thương qua lại giữa người dân hai bờ Bắc - Nam đã có truyền thống gắn bó máu thịt lâu nay. Còn dọc theo chiều dài dòng sông theo hướng Đông - Tây vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh vì phía hạ lưu của dòng sông đã bị cầu đường sắt Bình Lợi chắn ngang với độ cao thông thuyền không quá 3m. Ông Hồ Minh Phương lúc đó đã nhiều lần ao ước: “Chừng nào chiều cao của cầu Bình Lợi được nâng lên thì lúc đó giao thông thủy trên sông Sài Gòn mới sống động”.

Đến thời điểm hiện tại, bản đồ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đã hoàn thành với những điểm nhấn ấn tượng, như: Tuyến đường ven sông Sài Gòn từ Lái Thiêu đến Dầu Tiếng để vừa tôn vinh vẻ đẹp sẵn có của dòng sông xanh vừa là tuyến đê bao vững chắc bảo vệ các đô thị, khu công nghiệp, vườn cây ăn trái… sau hơn 50 năm nữa do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Dọc theo tuyến đường này là các khu đô thị ven sông, khu du lịch sinh thái gắn với sông nước miệt vườn, khu liên hợp công nghiệp logistic… đang trên đà xây dựng, hoàn thiện.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi vướng mắc cuối cùng trên dòng sông sớm được khai thông, tháo dỡ. Đó là việc nâng cao tĩnh không cầu đường sắt Bình Lợi, tạo điều kiện cho các dự án, công trình và đời sống người dân sống dọc hai bên bờ sông tiếp tục phát triển.

Tuyến giao thông chiến lược

Sông Sài Gòn có chiều dài 256km, bắt nguồn từ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố là Bình Phước, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh rồi đổ ra biển. Con sông gắn liền với các địa danh du lịch và truyền thống lịch sử cách mạng như địa đạo Củ Chi, Tam giác sắt, vườn cây ăn trái Lái Thiêu…; là tuyến giao thông đường thủy mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây nguyên về các khu công nghiệp, ra cảng để xuất khẩu và ngược lại.

Phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn này, Bộ GTVT cùng với UBND TP.Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện nghi thức động thổ dự án cải tạo và nâng cấp chiều cao tĩnh không (lên 8m) cầu đường sắt Bình Lợi, kết hợp nạo vét, mở rộng luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc (huyện Dầu Tiếng) có tổng chiều dài 71km. Hai dự án này đều do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Riêng dự án nạo vét, mở rộng luồng sông Sài Gòn được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng vốn 1.302 tỷ đồng; trong đó vốn TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư là 156,3 tỷ đồng, vốn tỉnh Bình Dương cho vay không lãi là 300 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 674 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô Thị Xanh (GUD) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam thực hiện. Dự kiến dự án này hoàn thành vào năm 2015.

Tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương được quy hoạch nhiều cụm cảng tổng hợp kết hợp kho bãi container như cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng Bến Súc… Hiện tại, cảng An Sơn do Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV làm chủ đầu tư đã xây dựng xong phần cầu cảng cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác. Đường vào cảng đã được xây dựng nối với quốc lộ 13 đạt tiêu chuẩn đường đô thị với 4 làn xe và tiếp tục được đầu tư liên thông với đường Mỹ Phước - Tân Vạn trong tương lai gần.

Ông Huỳnh Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV, cho biết cảng An Sơn cơ bản đã được đầu tư xong với diện tích 30 ha, cùng hệ thống kho, bãi container đạt tiêu chuẩn của một cảng tổng hợp đường sông, cho phép tàu 2.200 tấn ra vào thuận tiện. Tổng cục Hải quan cũng đã đồng ý cho thành lập đơn vị hải quan tại cảng nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Dự kiến cảng An Sơn sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016, góp phần làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của doanh nghiệp vì tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, thuận tiện trong vận chuyển và góp phần quan trọng để giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ hiện đang quá tải.

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên