Mỗi năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), những người thầy lại bồi hồi, xúc động khi nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, những lời chúc tốt đẹp từ các thế hệ học trò. Được xã hội tôn vinh, các thầy cô càng thấy mình cần có trách nhiệm hơn với nghề, làm sao để đào tạo ra những thế hệ học trò có tri thức, có đạo đức và các kỹ năng cần thiết để hội nhập vào nền giáo dục thế giới. Nhân dịp 20-11 năm nay, chúng tôi đã gặp và nghe Nhà giáo ưu tú Lê Kim Phượng, dạy ngữ văn trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.TDM) tâm sự về nghề của mình.
Cô Phượng (đứng) bồi dưỡng HS thi đại học
Cô Phượng tâm sự, trước khi làm thầy, cô cũng từng có một thời tuổi học trò. Cứ đến ngày 20- 11 là cô lại nhớ đến những người thầy đã dìu dắt cô trưởng thành và đi tiếp con đường của các thế hệ thầy cô giáo. Trong suy nghĩ của cô, nghề dạy học là nghề cao quý, càng cao quý thì càng nặng nề. Nhưng với cô, cô rất vui khi chọn nghề này, vì người thầy không chỉ giáo dục tri thức, mà còn giáo dục nhân cách, đạo đức làm người cho học sinh (HS). Là giáo viên dạy trường chuyên phải chịu nhiều áp lực, giúp HS đạt giải HS giỏi quốc gia, thi đậu đại học top đầu của tỉnh và “top ten” của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Để HS đạt được những thành tích trên, mỗi người thầy phải phấn đấu thật nhiều, tự học, tự rèn, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Người thầy phải linh động trong việc tiếp cận cái mới và tham gia học tập đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do sở và bộ tổ chức. Yêu nghề, yêu học trò, người thầy phải tìm hiểu tâm tư, tình cảm, những bức xúc của HS, cũng như thổi vào hồn các em niềm đam mê học tập, có như vậy mới giúp các em phát huy năng khiếu học tập.
Cô rất vui khi hàng năm cô đều có học trò đạt giải HS giỏi quốc gia và học trò của cô vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư, trọng đạo. Những phong trào thi đua học tốt, hoa điểm 10 vào dịp 20-11 hàng năm… là động lực giúp giáo viên càng yêu nghề, thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người mà xã hội đã giao cho.
A.SÁNG (ghi)