Đẩy mạnh liên kết vùng, góp phần phát triển bền vững

Cập nhật: 04-07-2018 | 08:29:45

 Liên kết vùng (LKV) là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay với đầy đủ tính bức thiết của nó. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa có sự phối hợp, thậm chí còn cạnh tranh gây bất lợi cho phát triển trong nội vùng... Tại Hội thảo “LKV thúc đẩy sự phát triển kinh tế Đông Nam bộ” được trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức vừa qua đã nhận được rất nhiều chia sẻ, nhận định, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm khắc phục những khó khăn hiện hữu của vùng, phát huy lợi thế và tiềm năng, biến Đông Nam bộ (ĐNB) thực sự trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thiếu liên kết

Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, LKV phải được tiến hành toàn diện, bên cạnh những thay đổi về tư duy, nhất là tư duy kinh tế, cũng cần phải thực sự quan tâm đến các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội. LKV phải đi sâu khai thác mọi nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển của tất cả lĩnh vực, ngành nghề.

Theo thạc sĩ Lê Đình Phú, trường Đại học Thủ Dầu Một, hiện nay đã có nhiều cơ chế LKV giữa các tỉnh, thành phố nhưng những thỏa thuận hợp tác, liên kết giữa các địa phương vẫn mang nặng tính hành chính và hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất nên chưa phát huy được hiệu quả. Cùng với đó, sự trùng lắp về cơ cấu ngành, lĩnh vực đầu tư giữa các tỉnh, thành phố trong vùng dẫn đến cạnh tranh không hiệu quả và triệt tiêu lợi thế của các địa phương.

Các chuyên giá đánh giá, cơ chế liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ vẫn mang nặng tính hành chính và hình thức nên chưa phát huy được hiệu quả. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của một công ty dệt may tại Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Đồng tình với đánh giá trên, tiến sĩ Cảnh Chí Hoàng, trường Đại học Tài chính Marketing TP.Hồ Chí Minh, chỉ ra những nguyên nhân khiến phát triển kinh tế của vùng ĐNB còn nhiều hạn chế, đó là: Vùng ĐNB sẽ phải đối diện với một thực tế là dư địa tăng vốn và lao động sẽ dần cạn kiệt, bởi vì nếu tiếp tục xu thế tăng vốn và lao động để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như hiện nay thì tất yếu sẽ dẫn tới gia tăng kẹt xe và áp lực quá tải hạ tầng giao thông - vốn đang là lực cản tăng trưởng rất lớn của khu vực. Bên cạnh đó, thiếu vốn đang làm giảm sự phát triển liên kết kinh tế trong vùng, trong đó tại một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại giảm liên tục. Hệ quả trong việc bất cân đối giữa đóng góp và nguồn thu được giữ lại là tất cả mọi mặt kinh tế - xã hội đều trong trạng thái quá tải nguồn tái đầu tư, thiếu động lực để phát triển và thiếu động lực để lan tỏa, thúc đẩy vùng ĐNB phát triển...

Ở góc độ khác, tiến sĩ Võ Tấn Phong, trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), nhìn nhận ĐNB thời gian qua chưa phát triển được những lợi thế cạnh tranh, thiếu sự phân công và chuyên môn hóa để tận dụng yếu tố kinh tế vùng và kinh tế chi phí, kinh tế theo quy mô. Tuy có những điều kiện về địa lý kinh tế ưu việt nhưng ĐNB vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng để hình thành các trung tâm logistics lớn. Thực tế cho thấy, các cảng cạn, trung tâm logistics đang hoạt động trong vùng hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, kết nối chủ yếu với vận tải đường bộ, chưa thực sự đóng vai trò là các trung tâm trung chuyển hàng hóa. Trong khi đó, các địa phương vùng ĐNB có lợi thế về nông nghiệp và thủy - hải sản nhưng thiếu liên kết chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong các ngành này. Hệ quả là bố trí vùng nguyên liệu cát cứ, chi phí logistics tăng, hiệu quả đầu tư không cao và giảm thiểu năng lực cạnh tranh do quy mô không tối ưu...

Hóa giải thách thức

Nhiều năm qua, ĐNB được đánh giá là vùng phát triển năng động nhất nước với những thành quả đáng tự hào, nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn một khoảng không nhỏ cần được xóa. Theo thạc sĩ Bùi Duy Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, để có sự liên kết tối ưu giữa vùng và LKV cần có “bàn tay” tác động của Chính phủ. Sự tác động của chính sách bằng văn bản pháp luật giúp vùng tăng khả năng tích hợp, liên kết để thúc đẩy phát triển toàn diện tạo giá trị gia tăng tối ưu và ổn định, mang tính chiến lược, lâu dài, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở đó sẽ khuyến khích đầu tư và kiểm soát đầu tư, cũng như định danh hạng mục ưu tiên đầu tư hợp lý, đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐNB...

Nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Trần Tấn Hùng, trường Đại học Thủ Dầu Một, khẳng định để khu vực ĐNB có thể thực hiện tốt quy hoạch vùng của Chính phủ cũng như hướng tới phát triển bền vững, quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế vùng phải được quán triệt, gắn liền với đổi mới tư duy trong xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, đổi mới công tác quy hoạch với sự chuyển đổi từ quy hoạch theo địa giới hành chính sang quy hoạch theo phạm vi vùng là bước đột phá chuyển đổi mô hình liên kết theo chiều dọc sang mô hình liên kết theo chiều ngang, phát huy tác động tích cực của quy luật lợi thế so sánh. Đây là cơ sở để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục có những bước tăng trưởng đột phá.

Theo các chuyên gia, để phát triển LKV ĐNB theo hướng bền vững, khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương rất cần hình thành không gian kinh tế vùng thống nhất, trong đó cần đề xuất các cơ chế, chính sách tăng cường LKV nhằm tạo ra một không gian kinh tế thống nhất toàn vùng ĐNB trên cơ sở phối hợp quy hoạch, phát triển hạ tầng, chính sách đầu tư, liên kết công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời, vùng ĐNB cần hình thành các trung tâm khoa học - công nghệ sáng tạo trình độ quốc tế, có nhiều sáng chế công nghệ, đóng góp khoa học - công nghệ cao vào mô hình tăng trưởng. Giữa các tỉnh, thành phố trong vùng cần có sự phối hợp về chính sách, hệ thống dịch vụ công; thống nhất về chính sách, đầu tư, liên kết và phân chức năng các khu công nghiệp; hình thành quỹ đầu tư, quỹ xúc tiến đầu tư vùng. Đồng thời, vùng ĐNB cần nâng cao vai trò doanh nghiệp trong đầu tư phát triển hạ tầng và công nghiệp, dịch vụ; tăng cường liên kết phát triển đô thị trong vùng...

 Vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách của cả nước; GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước.

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên