Thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngành nông nghiệp và phát triển nôn thôn (NN&PTNT) có điều kiện, cơ hội để sáng tạo trên mọi lĩnh vực; nhiều tập thể, cá nhân đã có những đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành. Nhân dịp hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước ngành NN&PTNT giai đoạn 2015-2020, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh vấn đề này.
Kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những vấn đề được ngành quan tâm, hỗ trợ, mang lại hiệu quả cao
- Ngành đã triển khai công tác thi đua yêu nước trong giai đoạn vừa qua như thế nào, thưa ông?
- Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, Sở NN&PTNT đã tổ chức triển khai, quán triệt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác thi đua, khen thưởng đến toàn thể công chức, viên chức. Để triển khai các phong trào thi đua hiệu quả, lãnh đạo sở và ban thường vụ công đoàn ngành đã đề ra các chủ trương và biện pháp chỉ đạo bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, mục tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành.
Các đơn vị đã tổ chức nhiều phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực và phù hợp với đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực, tập trung vào trọng tâm: “Toàn ngành NN&PTNT đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện đề án tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới, thi đua thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; “Lao động giỏi, công tác giỏi”... Trên cơ sở đó, nhiều công trình, đề tài, sáng kiến được đăng ký thực hiện, nhiều tấm gương điển hình được phát hiện.
- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020?
- Đó là việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,75%/năm, chiếm 2,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến nay, ngành đạt được những thành quả khả quan như: Cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm hoa, cây cảnh và vườn sinh thái gắn với phát triển du lịch ở phía Nam Bình Dương; phát triển các vùng chuyên canh cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía Bắc…
Ước đến cuối năm 2020, tổng diện tích đất sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đạt trên 160.000ha, trong đó diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt 5.345,3ha, tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2015; diện tích nông nghiệp đô thị đạt trên 150ha, tăng 20% so với năm 2015, với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh; có 75 cơ sở đã được chứng nhận VietGap.
Qua đó, một số mô hình điển hình đem lại hiệu quả cao, được nhân rộng trong sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng được chuyển dịch dần theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà lưới kín, cho năng suất bình quân từ 35 - 40 tấn/ ha/vụ, doanh thu bình quân đạt khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm như Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo). Mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) tại các huyện phía Bắc, áp dụng những tiến bộ kỹthuật mới cho năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ ha và doanh thu bình quân 700 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có vườn đạt doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/ha như trang trại ở huyện Bắc Tân Uyên của ông Lâm Thành Thương, ông Đoàn Minh Chiến sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm và xử lý ra hoa trái vụ. Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao, trồng giống nuôi cấy mô, chăm sóc theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, năng suất đạt 50 - 60 tấn/ha, doanh thu hơn 450 triệu đồng/ha/năm. Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái với 3 loại cây trồng chủ yếu cây chuối, cây ăn quả có múi và dưa lưới, với doanh thu dưa lưới 3 tỷ đồng/ ha/năm; chuối già hương 480 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, Công ty Cao su Dầu Tiếng đang thực hiện thủ tục triển khai 3 dự án ứng dụng công nghệ cao liên kết ở xã Long Hòa, Minh Tân, Thanh An với tổng diện tích trên 2.000ha...
- Công tác thi đua thời gian tới được ngành xác định như thế nào, thưa ông?
- Trong giai đoạn 2020-2025, ngành NN&PTNT phát động phong trào thi đua với những nội dung cụ thể: Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân mỗi năm 2,5-3%; duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm ổn định 57,5%; duy trì tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; phấn đấu 50% sốxãđạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và10% xãđạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của ngành, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước với tinh thần “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” để huy động sự tham gia của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong ngành ra sức thi đua hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
- Xin cảm ơn ông!
THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)