Xác định công tác chăm lo cho thanh niên (TN) nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong thực hiện các phong trào thi đua của Đoàn, tháng 10-2010, đề án “Hỗ trợ TN nghèo lập nghiệp và thoát nghèo” giai đoạn 2011-2015 đã chính thức được phê duyệt và triển khai. Qua 5 năm thực hiện, đề án đã xây dựng nên nhiều ngôi nhà mơ ước, tạo chiếc “cần câu” thiết thực cho nhiều hộ TN vươn lên trong cuộc sống.
Những ngôi nhà mơ ước
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Ngô Tấn Tới, hội viên Hội Liên hiệp thanh niên xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên khi căn nhà của anh mới được đề án hỗ trợ, bàn giao. Gia đình anh Ngô Tấn Tới thuộc diện hộ nghèo của xã, rất khó khăn về nhà ở. Hôm đoàn chúng tôi tới, nhiều người dân đã tới chia sẻ niềm vui “tân gia” cùng gia đình anh. Đó là chính quyền địa phương, đại diện Tỉnh đoàn cùng các nhà hảo tâm. Anh Ngô Tấn Tới cho biết, ngôi nhà được xây dựng với mức kinh phí là 65 triệu đồng. Trong đó, Quỹ Từ thiện KCN Việt Nam - Singapore hỗ trợ 35 triệu đồng và Công ty TNHH Minh Đạo hỗ trợ 30 triệu đồng. Anh Tới nói trong sự xúc động: “Với đồng lương bấp bênh, một mình nuôi gia đình và 2 con nhỏ nên việc sửa chữa, xây dựng căn nhà khang trang là niềm mơ ước của gia đình tôi. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, tôi đã có được căn nhà mới để ổn định cuộc sống” .
Trong 5 năm, đề án đã xây dựng 98 căn nhà nhân ái trao tặng cho các hộ TN nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THANH LÊ
An cư rồi mới lạc nghiệp, có được ngôi nhà tránh mưa, nắng đã góp phần giúp nhiều hộ TN nghèo có thêm điều kiện vươn lên. Qua 5 năm, đề án “Hỗ trợ TN nghèo lập nghiệp và thoát nghèo” giai đoạn 2011-2015 đã huy động các nguồn lực triển khai thực hiện, vận động quyên góp được 98 căn nhà nhân ái cho 98 hộ TN nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; sửa chữa 65 căn nhà tình nghĩa, xây dựng lại các căn nhà tạm bợ với tổng số tiền gần 215 triệu đồng. Đồng thời, đề án còn tổ chức thực hiện 14 công trình nước sạch và triển khai 1 dự án nước sạch cho địa phương chưa có nguồn nước sạch để sinh hoạt với tổng kinh phí 320 triệu đồng.
Hiệu quả từ các tổ hợp tác TN
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án, đại diện Huyện đoàn Dầu Tiếng cho biết, hiện tại, toàn huyện có 9/47 thành viên trong mô hình tổ hợp tác. CLB TN làm kinh tế giỏi trong TN nông thôn gồm có 19 mô hình TN làm kinh tế giỏi như chăn nuôi gà, ba ba, nuôi nhím, heo rừng lai, nuôi bò thịt… với tổng giá trị các mô hình trên 1 tỷ đồng. Trong khi đó, mô hình tổ hợp tác mang tính thời vụ như tổ hợp tác trồng mì cao sản, trồng cây đơn hồng tín, trồng mè… thời gian thu hoạch từ 6 tháng đến 1 năm. Thông qua các mô hình tổ hợp tác này đã giúp đoàn viên, TN tham gia có thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Còn tại Huyện đoàn Phú Giáo cũng đã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp dạy cạo mủ cao su, cắt tóc, nấu ăn… Thời gian qua, đơn vị này đã tổ chức được 50 lớp với 886 đoàn viên TN tham gia; thành lập 8 tổ hợp tác TN với nhiều mô hình khác nhau. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 40 TN có mô hình phát triển kinh tế như mô hình trồng quýt, nuôi dế, nuôi heo… Kết quả, đến nay huyện còn 12 hộ TN nghèo, 24 hộ TN đã thoát nghèo.
Anh Phạm Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, đề án “Hỗ trợ hộ TN nghèo lập nghiệp và thoát nghèo” mong muốn đem lại hiệu quả thiết thực cho TN khó khăn. Do vậy, mỗi cơ sở Đoàn cần có những mô hình cụ thể, phù hợp với địa phương. Giai đoạn 2011-2015, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo duy trì và thành lập mới 54 tổ hợp tác TN phát triển kinh tế, 56 mô hình TN phát triển kinh tế và 2 hợp tác xã TN. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, tuổi trẻ toàn tỉnh đã góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, đề án cũng cần phát huy thế mạnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo uy tín của tổ chức Đoàn trong TN địa phương”.
Qua 5 năm triển khai, đề án đã thanh lập 157 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn TN quản lý tại 57 xã, phường, thị trấn. Tổng dư nợ do Đoàn TN quản lý cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay là 100,8 tỷ đồng, giải quyết cho 5.748 hộ vay vốn; triển khai dự án “Bò giảm nghèo” hỗ trợ bò giống cho TN phát triển kinh tế với 2 cặp bò giống được trao luân phiên cho các hộ TN nghèo thuộc xã nông thôn mới huyện Dầu Tiếng; tổ chức được 75 lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ với 1.597 TN tham gia; thành lập và duy trì các tổ xoay vòng vốn, quỹ vốn vay hỗ trợ TN nghèo phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đề án cũng tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 14.600 TN, đào tạo nghề cho 15.074 TN …
THANH LÊ