Để khơi thông đầu ra cho hàng Việt trên “sân nhà” đòi hỏi không chỉ nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) mà còn có sự góp sức của tiểu thương. Sự phối hợp này nhằm duy trì và tăng độ phủ hàng Việt tại chợ truyền thống, thuyết phục người tiêu dùng (NTD) chọn và tin dùng...
Sự tích cực giới thiệu sản phẩm Việt của tiểu thương sẽ góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Trong ảnh: NTD mua hàng hóa tại chợ Quang Vinh 3, phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên
Tăng sức mua hàng Việt
Trong những năm gần đây, mặc dù bị lấn át bởi kênh mua sắm hiện đại song vẫn còn rất nhiều NTD lựa chọn chợ truyền thống mua sắm thường xuyên do tập quán, thói quen. Chợ truyền thống không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện, người bán, người mua có mối quan hệ thân thiết, có thể mua được hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá rẻ hơn.
Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp cùng với các ngành chức năng và các địa phương kêu gọi DN tham gia đầu tư xây dựng, khai thác chợ. Đến nay, Bình Dương đã có nhiều chợ được đầu tư ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất khang trang hướng tới văn minh, hiện đại. Từ đó, không chỉ tạo sự thuận tiện cho hoạt động mua bán mà còn góp phần gia tăng sức tiêu thụ hàng Việt tại các chợ truyền thống.
Điển hình như chợ Quang Vinh 3 (phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên), năm 2019 đưa vào sử dụng mới 3 khu nhà lồng chuyên doanh quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm; hóa tổng hợp vàrau củ quả, thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, khu vực chợ còn có các dãy ki-ốt, sạp được đầu tư khá hoàn thiện về hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh công cộng, camera an ninh, thu gom rác thải, bảo đảm an toàn vệ sinh, giúp tiểu thương có nơi mua bán văn minh, hiện đại hơn.
Sự tích cực giới thiệu sản phẩm Việt của tiểu thương góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Trong ảnh: Người bán tư vấn dùng sữa bột Vinamilk cho NTD tại chợ Thủ Dầu Một. Ảnh: THANH HỒNG
Song song đó, Ban Quản lý chợ còn vận động tiểu thương chọn nguồn hàng kinh doanh có chất lượng, bán hàng đúng giá niêm yết, hướng dẫn khách hàng lựa chọn hàng hóa có xuất xứ và thương hiệu rõ ràng. Chủcửa hàng bách hóa tổng hợp Khánh Liên tại chợ Quang Vinh 3, cho biết rất coi trọng đến việc chọn sản phẩm chất lượng, nhất là các sản phẩm Việt có thương hiệu với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mời khách dùng thử các sản phẩm mới của các nhà sản xuất nội địa. Qua đó, giúp khách hàng yên tâm lựa chọn tiêu dùng sản phẩm Việt và chọn chợ truyền thống làm điểm mua sắm tin cậy.
Tương tự, hiện tiểu thương tại chợ An Tây, xã An Tây, TX. Bến Cát cũng đang tích cực vận động NTD dùng các sản phẩm sản xuất trong nước. Các quầy sạp bày bán đa dạng các mặt hàng từ các loại rau củ, trái cây, thịt, cá đến các mặt hàng hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... Hàng hóa đều được sắp xếp có thứ tự và bắt mắt. Đặc biệt, hàng hóa sản xuất trong nước được ưu tiên bày trí vị trí dễ nhìn, giá cả được niêm yết rõràng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
ChịPhượng, tiểu thương quầy tạp hóa tại chợ An Tây cho biết, NTD ngày càng quan tâm đến tiêu chí an toàn sức khỏe nên tiểu thương phải đặt “chữtín” lên hàng đầu trong kinh doanh. Khi nhập hàng, tiểu thương không chỉ quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, chất lượng của thương hiệu Việt mà còn chú trọng đến tư vấn sử dụng, niêm yết giá bán để thu hút và giữ chân NTD. Chị Trần Thị Phương, ấp Dòng Sỏi, xã An Tây cho biết: “Mỗi khi đi mua sắm đồ gia dụng hay thực phẩm tại chợ An Tây tôi dễ dàng chọn được món đồ cần mua mà chẳng cần phải trả giá. Các quầy, sạp tại chợ An Tây được phân theo từng ngành hàng khá hợp lý, các sản phẩm Việt được tiểu thương bày trí ở các vị trí đẹp và dễ nhìn, giá cả vừa phải, phù hợp với điều kiện NTD khu vực nông thôn”.
Cần đề cao văn hóa kinh doanh
Tại các chợ truyền thống, bên cạnh những tiểu thương có cách thức bán hàng rất lịch sự, tư vấn kỹ lưỡng cho NTD. Tuy vậy, vẫn còn không ít trường hợp tiểu thương nói thách, bán hàng kém chất lượng, cân thiếu trọng lượng, quảng cáo sai sự thật. Chị Huỳnh Kim Trúc, phường Phú Mỹ, TP.ThủDầu Một cho biết trong một lần đến chợ ThủDầu Một mua sắm quần áo cho con gái chuẩn bị vào lớp 2. Người bán giới thiệu chiếc đầm bé gái giá 180.000 đồng là hàng Việt, được may gia công, chất lượng tốt. Về đến nhà hí hửng khoe với người cùng xóm vì mua được món đồ ưng ý với giá mềm, nhưng sau đó chị đã phải rất buồn vì được biết chị hàng xóm vừa mua sản phẩm cùng loại với giá chỉ 60.000 đồng. “Nói thách dừng lại có chừng mực để khách mua có thể mặc cả không có gì để bàn cãi. Nhưng nói thách đến mức tăng gấp ba, bốn lần giá trị thực của món hàng là không thể chấp nhận, muốn ủng hộ hàng Việt cũng rất khó”, chị Trúc nói.
Có thể đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” đáng chê trách. Thực tế cho thấy, để “giữ chân” khách hàng, góp phần tiêu thụ hàng Việt không còn cách nào khác là cung cách bán hàng của tiểu thương phải thay đổi. Mới đây, Sở Công thương phối hợp với trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.Hồ Chí Minh và Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.ThủDầu Một tổchức lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ cho ban quản lý và kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương các chợ trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là con đường “ngắn nhất” để khu vực chợ truyền thống từng bước cải thiện, tiếp cận các hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại. Tiểu thương, Ban Quản lý chợ, các DN và HTX khai thác, quản lý chợ… được truyền đạt kiến thức tổng quan về nội dung trong công tác quản lý chợ, đặc biệt văn hóa trong kinh doanh, nâng cao kỹ năng bán hàng, thái độ ứng xử với khách hàng. Từ đó nâng cao hình ảnh văn hóa, văn minh thương mại, đồng thời phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Một số tiểu thương chia sẻ, từ trước đến nay họ thường bán hàng theo thói quen, vẫn có những tật xấu như không hài lòng khi khách hỏi mà không mua hàng, chưa chăm sóc khách hàng… Sau khi tham gia lớp học, nhiều tiểu thương thừa nhận cần phải thay đổi nhận thức trong văn hóa kinh doanh. Tiểu thương cần học cách giới thiệu, quảng bá để tăng hiệu quả bán hàng, đặc biệt là hàng Việt, giúp các DN tăng độ phủcủa hàng Việt tại mạng lưới kinh doanh truyền thống.
THANH HỒNG