Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chính sách đối với người có tài năng; hình thức kỷ luật giáng chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; cán bộ, công chức cấp xã và việc liên thông; thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới... là những nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận trong phiên làm việc sáng 24/10.
Băn khoăn về hệ quả pháp lý đối với những văn bản người bị xóa tư cách chức vụ đã ký khi đương chức
Góp ý về các hình thức kỷ luật, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, nhiều đại biểu khẳng định, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về đảng và xử lý kỷ luật về hành chính nhà nước là cần thiết.
Tuy nhiên, “thống nhất, đồng bộ” không có nghĩa là bên Đảng có hình thức kỷ luật nào thì bên Nhà nước phải có hình thức kỷ luật như vậy mà là sự thống nhất, đồng bộ về tính chất, sự nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật.
“Giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau,” đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nói.
Đại biểu cho rằng, việc quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có những điểm bất hợp lý, về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng khái niệm là tư cách chức vụ.
Quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chẳng hạn, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Tương tự, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc, họ cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.
Điều này tạo ra sự bất hợp lý là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng cho rằng, quy định như trên tạo sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý đối với những văn bản, quyết định người này ký khi còn đương chức thì khi xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có còn hiệu lực pháp lý hay không.
Dẫn ra kinh nghiệm của Đức, ông cho biết, công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình lúc đương chức và hình thức kỷ luật là giảm và truất lương hưu vĩnh viễn. Đồng thời hệ quả pháp lý là người bị kỷ luật sẽ không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng...
“Tôi thấy quy định này logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam, tức là phải kỷ luật cái hiện hữu đang có là giảm và truất lương hưu, hệ quả của nó là tác động đến lợi ích vật chất và tinh thần của người bị kỷ luật bao gồm lương hưu và các chức danh, chức vụ đã có trước khi nghỉ hưu. Người bị kỷ luật không còn quyền tự giới thiệu và được giới thiệu với chức danh này. Mặt khác chúng ta không vướng và sa đà vào câu chuyện người này bị kỷ luật thì những văn bản, quyết định của người này còn có hiệu lực hay không,” đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.
Từ quan điểm đó, đại biểu đề nghị không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân, huy chương.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) chỉ ra, khi cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu về địa phương thì không còn trong biên chế, không hưởng lương ngân sách mà hưởng lương hưu qua hệ thống bảo hiểm xã hội, đưa đối tượng này vào luật rất là khó, nghe chừng khiên cưỡng.
Đồng tình với sự cần thiết phải đưa biện pháp xử lý đối tượng này vào trong luật và vấn đề ở đây là đối với cán bộ bị xóa tư cách, đại biểu cho rằng, xem xét hệ quả vật chất, chúng ta chỉ có thể dễ dàng tước bỏ của họ các phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi đi khám bảo vệ sức khỏe, còn lương không thể cắt được vì họ hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo đại biểu, vấn đề cần quan tâm là hệ lụy pháp lý, tức những quyết định, bằng cấp mà người đó khi còn đương chức đã ký thì khi xóa tư cách của họ, các văn bản, giấy tờ này còn hiệu lực hay không, đó là vấn đề vướng mắc.
Chưa định nghĩa cụ thể về chính sách trọng dụng nhân tài
Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo dự thảo Luật, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Đánh giá luật chưa định nghĩa cụ thể về chính sách trọng dụng nhân tài, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Trong chính trị, đó là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật là phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để đời.
Tranh luận với quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt vấn đề, nhiều tỉnh thành có chính sách "trải thảm đỏ" mời thạc sỹ, tiến sỹ về làm việc, nhiều nơi cử nhân tài đi nước ngoài đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, song có bao nhiêu phần trăm thạc sỹ, tiến sỹ trong đó đóng góp được cho các tỉnh, thành.
Rất nhiều thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; nhiều lái xe ôm là thạc sỹ. “Xin hỏi những người đó, đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa là không!” - đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu quan điểm.
Ông cho rằng, nhân tài muốn phát triển cần có môi trường đào tạo tốt. Tuy nhiên, người có tài nhưng tâm không tốt thì chúng ta không cần. “Thực tế, nhiều người có đủ yếu tố như vừa giỏi, vừa có môi trường cống hiến, vừa có nhiệt huyết, nhưng lại không muốn đóng góp cho đất nước, mà chỉ lo vun vén cá nhân, lợi ích nhóm…
Người có tài mà không có tâm là người phá hoại, có tâm mà không có tài là người vô dụng. Do vậy, nhân tài phải tổng hòa giữa người có tài, có tâm, chí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho đất nước” - đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cũng cho rằng, dự thảo quy định chưa rõ ràng đối với người có tài. Có những người có lợi cho tổ chức, cơ quan, nhưng lại không có lợi cho nhân dân.
Theo ông, người tài phải là người đóng góp to lớn cho đất nước và cho nhân dân, do đó dự luật cần sửa theo hướng người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội; được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận; có góp lớn hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân.
“Có như vậy thì mới xử lý được câu chuyện về đức và tài. Chứ người chỉ có tài trong tổ chức, cho cơ quan, nhưng lại làm hại cho dân, cho nước thì không thể gọi là nhân tài,” đại biểu Nguyễn Bắc Việt nhấn mạnh.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bày tỏ, để đưa ra một khái niệm về vấn đề tài năng trong tổng thể chung của tất cả ngành nghề, lĩnh vực là rất khó, do đó, trong phạm vi giới hạn của dự luật này chỉ đặt vấn đề xác định thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ, tức đối tượng là cán bộ, công chức và giao Chính phủ quy định khung chính sách thu hút đối với người có tài năng vào hệ thống các cơ quan, tổ chức chính trị.
Về cơ quan và người có thẩm quyền xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ và khung chính sách đối với đối tượng này, dự thảo Nghị định hướng dẫn dự luật đã dự kiến. Theo đó, người đứng đầu có trách nhiệm trong việc rà soát người có tài năng trong phạm vi hoạt động công vụ.
Khung chính sách đối với người có tài năng tập trung vào các lĩnh vực là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương. Chính phủ sẽ ban hành chính sách chung, trên cơ sở đó, các địa phương và cơ quan xây dựng chính sách cụ thể./.
Theo TTXVN