Bài 3: Tặng trang thiết bị nội thất cho gia đình chính sách
Những năm qua, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, Bình Dương không chỉ rà soát, xây tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công mà còn tặng trang thiết bị nội thất thiết yếu để mỗi ngôi nhà thêm đầy đủ, ấm áp, đầy tình người. Đó là chủ trương đúng đắn của tỉnh để mỗi gia đình có nơi trang trọng thờ tự các anh hùng liệt sĩ; bàn để đón tiếp khách; ti vi để xem các chương trình…
Ông Trần Thanh Liêm (thứ ba, phải sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện cùng gia đình chính sách được nhận trang thiết bị nội thất thiết yếu
Cái tình từ cơ sở
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Tư (SN 1952, ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), bệnh binh 2/3, kể rằng: “Ông tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi ở chiến trường Quảng Trị. Sau đó ông bị thương và đưa ra Bắc dưỡng thương. Năm 1980, ông đưa gia đình đi vùng kinh tế mới tại Bình Dương. Hiện vợ chồng ông có 2 đứa con gái nhưng do nhiễm chất độc da cam từ bố nên trí não chậm phát triển. Ông bà giờ đây sống nhờ vào tiền trợ cấp bệnh binh với trồng rau sạch trên mảnh đất của hàng xóm để bán kiếm thu nhập lo cho 2 con. Cuộc sống của gia đình ông khá khó khăn. Mới đây, ông được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Dầu Một trao tặng bộ bàn ghế giữa. Ông rất mừng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm”.
Bà Đoàn Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ năm 2017 đến nay, ngoài những gia đình được tỉnh tặng nội thất thiết yếu, TP.Thủ Dầu Một cũng đã xem xét tặng cho các gia đình người có công còn khó khăn từ Quỹ “Vì người nghèo” thành phố với 29 tủ thờ, 51 bộ bàn ghế, 8 giường với kinh phí 496 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Hồng Tư là một trong số các hộ trên. Ngoài ra, thành phố còn trích Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tặng 11 giường cho các gia đình chính sách với số tiền 33,5 triệu đồng.
Không chỉ trích Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, ở một số địa phương, hội, đoàn thể các xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn đứng ra vận động trao tặng tủ thờ, bàn ghế, ti vi cho gia đình chính sách, nhất là gia đình mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Mới đây nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), Đoàn Thanh niên xã đã vận động các nhà hảo tâm đến thăm, trao tặng tủ thờ và phần quà trị giá 7 triệu đồng cho mẹ VNAH Tô Thị Bê (SN 1933) ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền. Mẹ Bê có chồng là ông Nguyễn Văn Hinh và con trai Nguyễn Văn Chiến hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện mẹ đang sống cùng con gái. Mẹ Bê nói, đối với mẹ, chiếc tủ thờ không chỉ có giá trị vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp mẹ có thêm niềm vui khi lo được cho chồng, con một nơi thờ tự đàng hoàng.
Ngôi nhà thêm đầy đủ, ấm áp
Về phía cấp tỉnh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, ngoài việc xây tặng nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh… từ năm 2011, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát đời sống các mẹ VNAH và thương binh nặng, đề nghị trích mua tặng các trang thiết bị nội thất cho gia đình khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã trao tặng trang thiết bị nội thất cho gia đình người có công với kinh phí trên 12 tỷ đồng gồm: Tủ thờ, bàn ghế giữa, giường, ti vi… Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói, những món quà nhỏ được trao tận tay gia đình chính sách đã đem lại niềm vui để người có công với cách mạng sống vui, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Ngoài đối tượng được hưởng là gia đình mẹ VNAH, bệnh binh, thương binh 1/4 khó khăn, năm 2016, việc thăm, tặng nội thất thiết yếu cho đối tượng chính sách đã được mở rộng ra cả thương binh 2/4, 3/4 và 4/4; gia đình người có công khó khăn và các đối tượng khác. Hiện nay, ngành LĐ- TB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam khảo sát 148 trường hợp được xét tặng nội thất thiết yếu. Các gia đình này sẽ được trao tặng trong năm 2018 với tổng số tiền trị giá gần 500 triệu đồng, trích từ nguồn ngân sách tỉnh.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Ngoài việc hỗ trợ trang thiết bị nội thất thiết yếu cho đối tượng chính sách từ ngân sách tỉnh, ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng có nơi tự trích ngân sách, hoặc vận động để tặng thêm cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đó là việc làm ý nghĩa để tất cả các gia đình chính sách đầy đủ, khang trang; đồng thời giúp các đối tượng chính sách cảm nhận được sự quan tâm từ tỉnh đến cơ sở.
Bài 4: Tiếp sức cho con đối tượng chính sách nâng cao tri thức
THIÊN LÝ