Dệt may tập trung khai thác các thị trường tiềm năng

Cập nhật: 10-05-2020 | 07:33:40

Với tác động của dịch COVID-19, khả năng năm 2020 ngành dệt may sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019 nếu dich bệnh được kiểm soát trong quý 2 năm 2020.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may đã xây dựng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 42 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019 và năm 2025 tăng lên 55-60 tỷ USD.

Công nhân Công ty Cổ phần Thời trang K’s Closet (Hà Nội) sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Công nhân Công ty Cổ phần Thời trang K’s Closet (Hà Nội) sản xuất khẩu trang kháng khuẩn.

Tuy nhiên, với tác động của dịch COVID-19, khả năng năm 2020 ngành sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019 nếu dich bệnh được kiểm soát trong quý 2 năm 2020. 

Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, sau dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng mới mở như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và tương lai gần là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) để phấn đầu tăng bình quân 6%/năm giai đoạn 2020-2025. 

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề. Trước hết, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động.

Mặt khác, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch COVID-19 làm gián đoạn, các doanh nghiệp càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước với nhau. 

Vấn đề khai thác thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp trước đây ít quan tâm do cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu luôn được mở rộng bằng các Hiệp định thương mại tự do, nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do dịch COVID-19, thì thị trường nội địa lại là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0.

Đối với ngành dệt may, dịch COVID-19 tạo cơ hội sản xuất khẩu trang với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

Cùng với đó, doanh nghiệp dêt may đầu tư mới với công nghệ hiện đại, phát thải thấp nhất, cụ thể tập trung phát triển sản xuất không phát thải như: sản xuất sợi, nhuộm công nghệ ít nước hoặc không nước. Nỗ lực cạnh tranh và xây dựng doanh nghiệp theo hướng đáp ứng được tiêu chí của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị lên Chính phủ nhiều vấn đề; trong đó, ngoài các nội dung về thuế, thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, Hiệp hội còn đề cập đến quy hoạch các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung.

Hiệp hội cũng cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa cần sự tuyên truyền sâu rộng để thay đổi nhận thức "sính hàng ngoại" của người dân và để họ hưởng ứng tích cực hơn cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1940
Quay lên trên