Đi qua mùa đông…

Cập nhật: 30-01-2019 | 17:54:07

 

Thùy Miên vừa canh thời gian để tưới xong mấy giàn hoa lan cho ông bà chủ vừa đưa mắt ngắm. Hai tay rảnh rỗi cô nhặt lá khô, nhặt cỏ ở cái vườn tưởng như sạch tinh tươm này. Thường thì những người làm công khác bật công tắc tưới nước tự động lên là họ đi làm việc khác. Chí ít cũng lướt điện thoại lên Zalo, Facebook coi dân tình nay ra sao. Một thời Thùy Miên cũng chìm đắm trong thế giới ảo đó rồi, từng tưởng như không biết gì ngoài những thông tin, hình ảnh chạy đột ngột, bất chừng với đủ hỷ nộ ái ố, thị phi trên đó. Cho đến khi, chính cô là nạn nhân của nó, cô mới biết sợ. Đó cũng là lần Thùy Miên quay lưng với thế giới cả thật lẫn ảo để “sống lại” một cuộc đời đơn giản nhất có thể, bình thường nhất có thể tại “Trang trại Phong Lan” này.

Vườn hoa đủ các loại lan như một bộ sưu tập khổng lồ mà ông bà chủ ở thành phố đến nơi này mua đất làm trang trại được gần chục năm nay. Lan Ngọc điểm rừng Campuchia, lan Dã Hạc, lan Ngọc điểm của Lào, Thái Lan, Đài Loan... rồi các loại lan Ngọc điểm trong nước. Đủ thứ Hoàng Thảo kèn, Long tu đá Ý Ngọc, Trúc Phật Bà, Chuỗi ngọc, Kim điệp, Lan báo hỷ, Hoàng Thảo đùi gà, Thủy tiên tím, Thủy tiên, Hương duyên, Thập hoa, Vảy rồng, Tóc tiên, Ngọc thạch, Nhất điểm hồng... Cả hàng trăm loại và mỗi loại có vẻ đẹp riêng. Hầu như ngoài ông bà chủ và Hùng (biệt danh Hùng “khùng” - một kỹ sư nông nghiệp) thì những lao động... tay ngang như Thùy Miên đành bó tay. Hồi đầu, cô lẫn lộn lung tung nên có khi cô bị Hùng mắng oan. Niềm say mê hoa lá trong cô cứ thế chỉ dừng ở mức... bình dân mà thôi.

Thùy Miên nhìn vườn Phong Lan đến mức không biết Hùng “khùng” đang đi đến. Anh cũng lo làm việc của mình nên hầu như không ai hỏi han gì ai. Việc của Hùng là tìm giống lan mới để ươm, chiết cành, dâm thành từng giỏ lan riêng hoặc bó nhiều nhánh quanh thân dừa, thân gỗ mục thành một gốc lan lớn. Sau đó, anh sẽ giao lại cho những nhân công như Thùy Miên chăm sóc, tưới tắm hàng ngày. Việc vô phân, thuốc luôn được Hùng tự tay làm hoặc chỉ bày rất tỉ mỉ bởi chỉ có anh mới biết cách để cho hoa ra đúng dịp lễ tết, đúng lúc thị trường cần. Ông bà chủ nhiều khi nói đùa Hùng là phù thủy của loài hoa lan. Cũng không trách họ ưu ái anh, trả lương cao hơn theo giá chung rất nhiều bởi họ quyết giữ chân người tài… mà khùng này.

Có lần ông bà chủ nói đùa cái trang trại Phong Lan của tụi tui sao giống như trại của những người cùng đường, trắng tay vầy nè? Sao ai vô đây cũng có hoàn cảnh éo le, tâm trạng. Thôi nha, mọi chuyện buồn mình bỏ ngoài cổng trang trại. Vô đây coi như người một nhà. Tụi tui sống được, các cô chú sống được, không phải lo lắng gì cả nghe chưa...

Nhân công trang trại toàn những người đầy tâm trạng, khó khăn đeo bám, quá khứ chẳng được oanh oanh liệt liệt nên ai nấy “né” làm tổn thương thêm cho nhau. Họ ít khơi gợi chuyện cũ. Thi thoảng làm vườn buồn buồn ca lên câu vọng cổ. Vài câu chuyện tiếu lâm trong đời, trên mạng đem ra làm quà cho vui cùng nhau chút thôi.

Hùng cũng “gia cảnh éo le” vậy, gia đình anh trước đây rất khá giả ở một thành phố lớn. Cơn sốt đất đã làm cho tình huynh đệ, phu thê tương tàn. Sáu anh em nhà anh giành từng miếng đất đến mức không để ý đến suy nghĩ, tình cảm của ba mẹ. Ba mẹ anh buồn chán sinh bệnh nặng rồi qua đời. Đất đai được chia thành sáu mảnh manh mún, chắp vá nhưng cũng là tiền tỷ cho những người có lòng tham vô đáy với những nhu cầu xa xỉ. Ngao ngán, Hùng tuyên bố phần của mình để lại làm từ đường gia tộc, vợ chồng anh ai cũng có công việc ổn định, sống ổn. “Nhưng mà tui không ổn! Ông có khùng thì... khùng một mình đi! Cuộc sống bây giờ là phải ăn sung mặc sướng, xe cộ xênh xang. Không phải suốt ngày úp mặt vào nghiên cứu những mô, những mầm, những tế bào, gien này nọ. Ông không cho vợ con có cuộc sống đầy đủ sung túc thì tự đi mà sống khắc khổ! Tôi chịu hết nổi rồi!”. Đó là những câu cuối cùng mà vợ Hùng thốt ra khi cô bỏ nhà đi dắt theo đứa con gái mới hai tuổi. Bỗng dưng... bơ vơ, gia đình lớn nhỏ gì tan tành hết nên Hùng đến mảnh đất này để lập nghiệp. Anh nhận công việc chăm sóc lan cho ông bà chủ với mức lương khá cao. Dành dụm từ từ rồi anh mua được mảnh đất riêng cạnh trang trại của ông bà chủ. Anh vừa làm cho mình, vừa làm cho trang trại Phong Lan này từ ngày đầu tiên nó mới được khai hoang, lập vườn... Hùng trầm lắng, ít giao du với ai ngoài những lúc anh kêu thằng Tý, nhân công nhỏ nhất trang trại đi mua ít rượu, mấy anh chị em chống mỏi sau một ngày làm việc vất vả.

Còn Thùy Miên, ngày mà cô được ba mẹ đưa lên đây để “làm lại cuộc đời” thì Hùng cũng không để ý gì đến. Anh coi cô như những người có quá khứ “không bình thường” khác làm ở trang trại này. Câu chuyện éo le của Thùy Miên là cô bị người chồng bên Đài Loan đánh cho lên bờ xuống ruộng. Được giải thoát, trở về nước, cô lại “lấy chồng” không kèn không trống thêm một lần nữa. Cho đến khi cô bị một nhóm phụ nữ đánh ghen tới tấp, quay clip tung lên mạng như “chiến công trị kẻ cướp chồng” cô mới biết chồng mình đồng thời là chồng của người khác nữa.

Lương mỗi tháng hơn bốn triệu đồng nhưng Thùy Miên hầu như không hề đụng tới khoản tiền này. Bởi bà chủ lúc nào cũng coi cô như em gái. Thỉnh thoảng, bà rủ cô đi mua sắm những vật dụng cần thiết. Ăn uống đã được chủ bao chung với gần chục nhân công ở trang trại nên Thùy Miên là “người giàu”, nói theo cách của những người ở đây đùa với nhau. Nhưng họ có biết đâu, đôi khi Thùy Miên nhìn thấy chị Hoa, chị Lệ chăm chút từng đồng để gửi về quê cho con ăn học, thấy anh Tú, anh Minh trông mong đến ngày nhận lương để gửi về quê cho vợ con đang nheo nhóc là cô lại buồn. Ba mẹ của Thùy Miên không khá giả gì nhưng họ cũng tự lo được cho bản thân. Họ không cần cô phải báo đáp, hiếu nghĩa gì cả. Thế nên hầu như gần ba năm nay, Thùy Miên chỉ làm và gửi luôn phần thu nhập của mình cho bà chủ giữ dùm.

Những ngày gần tết là thời gian bận rộn nhất ở trang trại Phong Lan này. Thôi thì đủ thứ công việc từ chăm sóc, thu hoạch, cắt cành cho đến tuyển những giò lan đẹp để người ta mua tặng đại gia. “Đi tết kiểu ơn nghĩa này bán sướng lắm, lan đẹp, độc bán nhiêu họ cũng mua!” - Bà chủ vui vẻ thông báo như thế và không quên hứa thưởng hậu hĩnh cho nhân công để họ làm hăng say hơn. Đây cũng là lúc mà công sức của mọi người bỏ ra chuẩn bị được thu hoạch. Không thể nói hết được bằng lời bởi niềm vui của họ khi nhìn vườn lan do mình chăm sóc thật không có gì thay thế được. Có những giò lan giá cả hàng chục triệu đồng rồi những giống lan độc, lạ, đẹp cũng được khách hàng săn lùng ngày một nhiều. Khỏi phải nói ông bà chủ vui mừng khi có được một mùa tết thành công như thế.

Một tiệc tất niên ấm áp được tổ chức cho nhân công ở trang trại. Hùng “khùng” nhìn Thùy Miên hơi nhiều hơn bình thường. Cô đôi khi bất giác quay đầu nhìn lui bởi tưởng ai đang đi tới từ phía sau mình...

Tết là dịp Thùy Miên được nghỉ làm vì tất cả mọi việc hầu như đã xong xuôi. Các anh chị có chồng con, vợ con chờ đợi ở quê nhà chuẩn bị quà cáp, quần áo về quê thăm gia đình. Những người còn lại người thì đi thăm bà con. Người thì ở lại ăn tết, giữ trang trại bởi ông bà chủ cũng ở phố hoặc đi du lịch sau khi kết thúc chuyện mua bán vụ hoa tết. Năm nay, Thùy Miên háo hức hơn mọi năm khi chuẩn bị hành trang về quê ăn tết. Bởi năm nay, cô đã dành dụm được một món tiền kha khá. Có thể, mình sẽ cùng với mẹ mở tiệm tạp hóa, một quán cà phê nho nhỏ để sống được gần với ba mẹ, chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già. Khỏi phải xa quê nữa. Chuyện cũ chắc mọi người cũng không hơi đâu nhắc lại làm gì.

Không khí cuối năm thật ấm cúng, nhộn nhịp. Đâu đó trong xóm gần trang trại người ta tổ chức những bữa tiệc thật vui. Mùi nhang trầm quyện trong khói lam chiều tạo nên một hình ảnh thật nên thơ và bình yên. Đây cũng là thời điểm nhắc nhở cho mọi người về sự đoàn viên của gia đình.

Khi tất cả đều rộn ràng cho việc về quê ăn tết thì Hùng vẫn đi đi lại lại giữa các giò lan. Hình như với anh, ngoài chuyện chăm sóc cây cỏ ở đây không có điều gì làm anh bận tâm nữa.

Sáng 29 tết, mọi người chia tay nhau để về quê. Hùng đi về hướng vườn lan đất nhà anh. Ở đó có một góc hầu như anh không cho ai lui tới. Nhiều người đùa đó là nơi anh nghiên cứu lan nên sợ người ta tới học mất bí quyết gì đó. Rồi, từ một góc sau vườn nhà anh Hùng đem đến một giò nhánh tím nhạt, nhánh phớt hồng đẹp rực rỡ. Đến trước mặt Thùy Miên, Hùng ấp úng nói: “Đây là lan Hạc vỹ. Chăm nó công phu lắm bông mới nở dài, đẹp như đuôi chim công, chim hạc. Cô mang về quê cho tôi gửi làm quà hai bác nhé. Cứ nói của anh Hùng làm chung với con tặng quà tết”. Mọi người ồ lên trêu anh. Thùy Miên thì đỏ ửng mặt nửa muốn nhận, nửa muốn từ chối. Cô chăm lan bao năm nay nhưng chưa bao giờ dám mơ ước mình có được giò lan đẹp như vậy để tặng ba. Hình như có lần cô kể ba cô cũng thích phong lan nhưng ông chỉ chơi vài giò cho vui chứ có tiền đâu mua cả vườn. Cùng lúc bà chủ có mặt và nói đùa: “Thôi tấm lòng của mình có sao nói vậy đi Hùng ơi, giấu giếm làm gì nữa. Chị biết em lâu nay thương thầm cổ phải không?”. Quay sang Thùy Miên, bà chủ nói tiếp: “Coi như chị đã nói giúp chú Hùng rồi nhé. Tìm làm chi mất công, người tốt ở ngay bên cạnh không biết thì uổng quá!”.

Hai năm trước, Thùy Miên kêu xe ôm đến bến xe phố thị đón xe về quê hoặc đi xe buýt. Năm nay, Hùng (hết khùng - chị Lệ đùa một câu như thế trước khi vẫy tay chào mọi người, về quê) nói “để tôi đèo Miên đi”...

Nắng xuân vàng chiếu khắp trang trại Phong Lan, xa xa là những trảng đồi trồng cây ăn trái... Sân, hiên nhà ai cũng có mai, cúc, thọ, lan... trang trí chuẩn bị đón tết. Đến bến xe, Hùng lại đỏ mặt ấp úng nói không đầu không cuối: “Qua tết lại trở lên, đừng ở lại! Hay là tết này tôi... về thăm nhà Miên? Cho phép nhé?”...

Phố thị dần trôi xuôi. Còn Thùy Miên bất giác thấy môi mình đang cười. Hình như cô đã đi qua mùa đông. Giò lan Hạc vỹ cũng rung rinh, như đang cười...

Truyện ngắn:  TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên