Đi tìm “tiếng nói chung”

Cập nhật: 23-09-2011 | 00:00:00

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, đình, lãn công là do thiếu cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ). Hay nói cách khác do người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ chưa tìm được “tiếng nói chung”. Một cơ chế đối thoại phù hợp chắc chắn sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN.  Những cuộc gặp gỡ giữa tổ chức công đoàn, NLĐ, NSDLĐ sẽ dần hiểu nhau hơn

Cùng lắng nghe

Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định là mong muốn của tất cả các DN. Đó là điều kiện cơ bản để DN thực hiện những kế hoạch sản xuất - kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, NSDLĐ và NLĐ đôi khi phát sinh mâu thuẫn trong việc thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng... dẫn đến đình, lãn công gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN cũng như tình hình an ninh trật tự.

Qua thực tế công việc và sau khi tham vấn các cơ quan liên quan, Công đoàn Các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương đã đề xuất cơ chế đối thoại song phương bao gồm đối thoại giữa công đoàn cơ sở (CĐCS) và DN, Công đoàn KCN và nhóm DN. Hoạt động đối thoại giữa DN và tổ chức CĐCS lâu nay chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ, thực chất và chủ yếu phụ thuộc vào thiện chí của DN và NSDLĐ. Trong khi đó, theo ông Lê Nho Lượng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN thì cơ chế đối thoại giữa CĐCS  và DN là rất cần thiết trong hoạt động của DN. “Cơ chế này nếu được thực hiện tốt sẽ giúp cho CĐCS có thể thực hiện đầy đủ chức năng tham gia quản lý góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hiểu biết lẫn nhau. Qua đó cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn và tăng cường kỷ luật lao động. Đồng thời, qua cơ chế này CĐCS có thể làm tốt hơn vai trò cầu nối dung hòa mối quan hệ lao động trong DN...” - ông Lượng lý giải thêm.

Đối thoại giữa tổ chức CĐCS với NSDLĐ ở ngay tại DN cũng là cơ hội để hai bên phối hợp tốt hơn trong việc triển khai các phong trào thi đua và các hoạt động khác của DN như tổ chức hội nghị NLĐ hàng năm... Điều quan trọng hơn khi thực hiện cơ chế này, theo ông Lê Nho Lượng đó là CĐCS được tham gia thảo luận về kế hoạch sản xuất - kinh doanh, chính sách tiền lương. Bàn bạc thảo luận và cùng tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh, những chế độ chính sách có liên quan đến NLĐ một cách kịp thời, không để phát sinh thành tranh chấp, bất đồng lớn.

Đại diện DN đang hoạt động tại KCN Sóng Thần như Pungkook, Hansoll vina, Triumph, Chutex, Beautec Vina... đều bày tỏ sự đồng tình về việc duy trì một cơ chế đối thoại giữa NLĐ và NSDLĐ cũng như giữa CĐCS và NSDLĐ. Đại diện các DN cho rằng, một cơ chế đối thoại phù hợp sẽ giúp DN nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ từ đó có những điều chỉnh kịp thời. Riêng đại diện CĐCS Công ty Pungkook cho biết, hoạt động đối thoại giữa CĐCS và DN tại công ty đã được thực hiện từ năm 2009 và đến nay vẫn tiếp tục, bởi hoạt động này đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Không chỉ là cầu nối

Với việc đề xuất những cơ chế đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, tham vấn thường xuyên giữa công đoàn và DN, Công đoàn các KCN cho thấy tổ chức này không chỉ đóng vai trò là cầu nối mà còn trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc giữa NSDLĐ và NLĐ; giữa DN và CĐCS.

Bên cạnh cơ chế đối thoại giữa CĐCS và DN, Công đoàn các KCN còn thực hiện đối thoại giữa đơn vị này với nhóm DN tham gia thí điểm. Nội dung đối thoại giữa hai bên chủ yếu tập trung đánh giá việc thực hiện các cơ chế đối thoại giữa CĐCS với NSDLĐ để trao đổi thông tin về tình hình quan hệ lao động trong các KCN; mong muốn chung của NLĐ và CĐCS cũng như quan điểm giải quyết các vấn đề liên quan. Trên cơ sở những thông tin này sẽ cùng thảo luận đi đến thống nhất chung để triển khai thực hiện. Với cơ chế này, Công đoàn các KCN sẽ đại diện cho các CĐCS thương lượng với các DN những vấn đề NLĐ đang quan tâm mà Ban chấp hành các CĐCS chưa thỏa thuận được.

Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM cho rằng, để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong DN nhất thiết phải có những cơ chế đối thoại. Việc Công đoàn các KCN Bình Dương đề xuất và thí điểm thực hiện những cơ chế đối thoại là một hoạt động rất thiết thực. Bà Hà cũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức đối thoại giữa DN và Tổ chức CĐCS dưới sự bảo trợ của Công đoàn các KCN. “Đây là một sáng kiến tốt, hy vọng sẽ có sức lan tỏa lớn. Bởi trên thực tế nhiều DN đều mong muốn xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa nhằm góp phần ổn định sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN...” - bà Nguyễn Hồng Hà nhìn nhận.

Để hoạt động đối thoại mang lại hiệu quả thiết thực, phía Công đoàn các KCN sẽ thường xuyên liên hệ, hỗ trợ CĐCS và DN về việc xây dựng cơ chế đối thoại và các nội dung khác về xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN. Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Công đoàn các KCN cho biết sẽ tập huấn cho cán bộ CĐCS, cán bộ quản lý tại DN nội dung và kỹ năng đối thoại tại DN; tập huấn về pháp luật, nghiệp vụ công tác và kỹ năng hoạt động công đoàn cho cán bộ CĐCS. Bên cạnh đó, Công đoàn các KCN sẽ cam kết kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các vấn đề bức xúc của DN và NLĐ nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=196
Quay lên trên