> Bài 1: Xin việc làm… rồi bị “nhốt”?
Bài 2: Cái chết tức tưởi của một lao động nghèo
Đang làm việc tại một doanh nghiệp ở TX.Thuận An, lương thấp không đủ tiền nuôi mẹ già và đứa em trai bị mù lòa, anh Bồ Sơn Rớt, SN 1988, ngụ tại ấp Tham A, xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhờ môi giới lao động xin việc tại cơ sở cưa xẻ gỗ bao bì của ông Trần Tấn Phong. Tưởng tìm việc làm khác lương cao, môi trường làm việc tốt, nào ngờ anh vĩnh viễn ra đi không trở về.
Đối xử như nô lệ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Rớt về làm việc cho cơ sở gỗ của ông Trần Tấn Phong từ ngày 19-5-2013. Trước đó, Rớt làm công việc bốc vác tại một doanh nghiệp ở TX.Thuận An, do lương thấp, chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi bản thân và mẹ già nên anh có ý định xin làm việc tại một công ty khác. Rớt được một tay môi giới giới thiệu đến xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng làm công việc cưa xẻ gỗ lương 4 triệu đồng/tháng. Không ngần ngại, Rớt cùng một người bạn bốc vác khác quê ở Cà Mau theo môi giới đến làm việc tại cơ sở gỗ của ông Phong. Hồ Cần Nôm, nơi anh Bồ Sơn Rớt chết
Ngay khi đến đây, tay môi giới lao động đòi anh Rớt cùng người bạn trả 700.000 đồng tiền “cò”, không có tiền, ông chủ cơ sở gỗ trả và sẽ trừ lương dần dần. Với lý do là lao động “trôi nổi” sợ bỏ trốn, ông chủ cất giấu toàn bộ tư trang, điện thoại, buộc hai thanh niên này làm việc hơn 12 giờ đồng hồ/ngày. Ăn uống hàng ngày chỉ cơm với canh, rau đạm bạc; đêm về ngủ trong căn nhà nhỏ hẹp không nhà vệ sinh, còn bị ông chủ khóa cửa ngoài; trong khi đó lương tháng chỉ 2,5 triệu đồng/tháng chứ không phải 4 triệu đồng/tháng như lời hứa hẹn của tay môi giới. Không chịu nổi cảnh sống và làm việc như thế, Rớt cùng người bạn khác tìm cách trốn thoát. Ngày 26-5-2013, trong giờ nghỉ trưa Rớt cùng bạn bàn nhau “nơi này làm việc vô cùng khổ sở, lương thấp, phải tìm cách trốn để tìm công việc khác, chớ không thể ở mãi nơi đây”. Nghĩ vậy nên cả 2 tìm cách thoát thân theo hướng hồ Cần Nôm, khi ra khỏi “chuồng cọp” 2 người bơi thục mạng trong hồ Cần Nôm rộng mênh mông. Cuối cùng 1 người thoát thân, còn Rớt bị chết đuối.
Theo người dân nơi đây, họ càng phẫn nộ hơn từ lúc biết ông chủ cơ sở gỗ Trần Tấn Phong khi nhận lao động vào làm ông không chỉ giấu hết tư trang, điện thoại mà còn xóa tất cả số điện thoại trong danh bạ mà Rớt thường liên lạc. Vì thế không ai có thể liên lạc với người thân lúc Rớt gặp nạn, hơn một ngày sau cơ quan công an mới liên lạc được với gia đình lên nhận xác. Anh L.V.C, người trực tiếp vớt xác của Rớt cho biết, khi mang xác lên bờ ai cũng kêu trời, khuôn mặt non nớt của một thanh niên nghèo như oán, như hận, đôi mắt trừng trừng như muốn kêu oan với ai đó.
Tầng dưới là nơi công nhân cũ ở, tầng trên là nơi nạn nhân Rớt ở
Lòng người dân càng xót xa hơn khi biết gia đình của Rớt quá nghèo, nghe tin con mất người mẹ phải chạy vạy khắp nơi mới mượn được ít tiền lặn lội hơn 300 cây số đến Bình Dương mang xác con về quê. Người mẹ nghèo ôm xác con như ngất đi. “Mấy ngày nó chuyển công ty có điện về cho mẹ, nó bảo công ty cũ lương ít quá nên phải chuyển công ty khác để có lương cao hơn, nó hứa đầu tháng sẽ về vì nhớ quê quá. Mấy ngày sau điện lại cho nó nhưng điện hoài không được, trong lòng tôi rất lo lắng. Nào ngờ…”, bà mẹ đau xót nói trong nước mắt.
Quá thương tâm cho tình cảnh gia đình anh Rớt, người dân ấp Thanh Tân và Cà Tong đã mở rộng tấm lòng, họ quyên góp tiền để bà có đủ tiền mang xác con trở về nhà.
Nạn nhân bị chết đuối?
Theo lời kể của người dân địa phương, khi thấy anh Rớt đang chới với, một công nhân của cơ sở gỗ này định đến cứu nhưng ông chủ can ngăn và nói “để nó bơi được tới đâu rồi tính”. Một công nhân cùng ăn, cùng ở, cùng làm với anh Rớt cho biết, khi cả hai đang bơi trong hồ nước, ông chủ cử người qua bên kia chặn đánh anh Rớt và người bạn, sau đó đuổi việc luôn chứ không cho quay trở lại làm việc. Nhưng chưa kịp thực hiện lệnh của ông chủ thì anh Rớt đã gặp nạn.
Tìm hiểu nguyên nhân cái chết của nạn nhân Rớt, một người dân địa phương đang giăng lưới bắt cá trên hồ Cần Nôm cho biết, lúc 13 giờ chiều hôm xảy ra sự việc đau lòng, khi chuẩn bị xuống tháo lưới ông gặp một công nhân đang bơi xuồng, dùng sào chọc xuống mặt nước. Nghĩ người này bắt cá nên ông quát “làm gì đó”, người chèo xuồng bảo “đang tìm xác thằng bỏ trốn”, còn trên bờ thì mọi người đứng yên đến kỳ lạ.
Nhiều người dân địa phương cho biết, 10 năm nay, chuyện cơ sở gỗ của ông Phong đánh đập, ngược đãi công nhân diễn ra thường xuyên. Nhất là những người bỏ trốn bị rượt đuổi đánh đập càng dã man hơn. Anh L.V.C tỏ ra nghi ngờ: “Người chết đuối sao bị gãy răng, khi khiêng xác lên cổ không cứng mà bị gãy lặt lìa?!”.
Bài cuối: Người trong cuộc nói gì?
HÒA NHÂN