PCI năm 2016:

Điểm sáng Bình Dương

Cập nhật: 16-03-2017 | 11:44:45

Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, Bình Dương đã có mức tăng thứ hạng ngoạn mục từ vị trí 25 năm 2015 lên vị trí 4 cả nước. Có thể nói, Bình Dương là điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư làm ăn, sinh sống tại tỉnh

Bước nhảy tất yếu

Không bất ngờ khi Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong các tỉnh, thành phố trong cả nước trên bảng xếp hạng PCI. Năm thứ tư liên tiếp và lần thứ bảy trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, Đà Nẵng được các doanh nghiệp (DN) vinh danh là quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Tuy vậy, Bình Dương mới là tỉnh gây bất ngờ khi trở lại nhóm 5 địa phương dẫn đầu về PCI sau 8 năm tụt hạng. Với 63,57 điểm, Bình Dương đã vươn lên vị trí thứ 4, tăng đến 21 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2015.

 

Trong nỗ lực cải thiện PCI, năm 2013 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1390/ QSS-UBND phê duyệt Đề án nâng cao PCI (đề án). Sau đó, một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án của ngành. Cụ thể như Cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện trong công tác hải quan; Công an tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong ngành công an...

Khi đi vào thực hiện đề án, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tốt. Chẳng hạn, tỉnh liên tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin để hiểu rõ các chiến lược, định hướng và kế hoạch phát triển. Từ cấp xã đến cấp tỉnh đều đã tiến hành giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả... Bên cạnh đó, Bình Dương đã hoàn thành công tác lập quy hoạch sử dụng đất các cấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Riêng trong công tác đền bù, giải tỏa để thực hiện dự án, tỉnh đã chủ động phối hợp với các chủ đầu tư dự án và các tổ chức có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Rõ ràng, bước tiến vượt bật từ thứ hạng 25 lên hạng 4 không phải là kết quả một sớm, một chiều, mà là nỗ lực cải thiện PCI của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ: “Qua lắng nghe ý kiến từ các tỉnh bạn, Bình Dương thấy chưa làm được gì nhiều cho dân và DN. Vì thế, Bình Dương trước tiên đã cố gắng xây dựng trung tâm hành chính công theo mô hình của Singapore và Quảng Ninh để phục vụ DN và người dân”.

Các nhà đầu tư luôn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Bình Dương. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Omron (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Bình Dương nhảy vọt từ hạng 25 lên hạng 4 chỉ trong vòng 1 năm là hoàn toàn có cơ sở. Báo cáo về PCI năm 2016 cũng nhận định, bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự trở lại ấn tượng của Bình Dương. Nhìn lại lịch sử PCI, trong 3 năm đầu đánh giá chỉ số này, Bình Dương liên tục dẫn đầu, 8 năm sau đó tỉnh liên tục rớt hạng và dừng lại ở mốc 58 điểm, nằm trong nhóm có chất lượng điều hành khá. Năm nay, với 63,57 điểm, Bình Dương đã thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục, nằm trong tốp 5 tỉnh đạt mốc rất tốt. Rõ ràng, Bình Dương đã có những nỗ lực vượt bật để mang lại môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Những chỉ số biết nói

Theo báo cáo về PCI 2016, hầu hết các chỉ số thành phần của Bình Dương đều tăng từ mức cao đến rất cao so với các năm trước. Đáng chú ý, trong nhóm 10 tỉnh, thành hấp dẫn đầu tư nhất nước, Bình Dương đứng thứ 4, chỉ sau 3 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đây quả là một con số rất ấn tượng, nếu so sánh trong tương quan Bình Dương vừa chỉ mới tách tỉnh được 20 năm và công nghiệp hóa từ cái gốc thuần nông, lạc hậu. Nhìn xa hơn, Bình Dương không có cảng biển, không có cảng hàng không lại nằm cạnh “anh cả” thu hút đầu tư của cả nước là TP.Hồ Chí Minh.

Đi sâu vào phân tích chỉ số tốp 10 tỉnh, thành hấp dẫn đầu tư của cả nước, Bình Dương lại đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chọn cơ sở hạ tầng. Cụ thể, có đến 59,1% doanh nghiệp khi được tham gia khảo sát trả lời ưu tiên chọn Bình Dương vì rất ấn tượng với cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp. Rõ ràng, sau một chặng dài hoạch định và thực hiện các chiến lược phát triển hạ tầng, lấy hạ tầng làm điểm cộng thu hút đầu tư, Bình Dương đã “ghi điểm” mạnh mẽ trong mắt nhà đầu tư.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp chọn chất lượng điều hành của lãnh đạo tỉnh là 43,7%, xếp thứ 2 sau Đà Nẵng. Kết quả này có được là nhờ có một quá trình dài hơi nỗ lực cải cách hành chính mạnh theo hướng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp của Bình Dương. Sau 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Hành chính công tập trung của tỉnh đã vận hành hiệu quả, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhanh chóng và thân thiện.

 

Khoảng cách ngày càng thu hẹp

Trong bảng xếp hạng PCI 2016, Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp giữ vị trí ngôi vương trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, Quảng Ninh vươn lên thứ 2 với 65,60 điểm - vị trí cao nhất từ trước đến nay của địa phương này. Đồng Tháp vẫn duy trì ở vị trí thứ 3 với 64,96 điểm trên bảng xếp hạng. Các tỉnh Bình Dương, Lào Cai, Vĩnh Long cũng được đánh giá “rất tốt” về PCI năm 2016. Đáng ghi nhận là các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng PCI đã có nhiều nỗ lực cải cách. Nhờ đó, khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp nhất trong 12 năm qua.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, kết quả PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc với doanh nghiệp dân doanh trong nước. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với cách đây 10 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động tăng thêm 1%, lên 13% sau một năm. Báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bình Dương cũng đã thí điểm hình thức người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính ngay tại nhà; doanh nghiệp có thể đăng ký làm việc với cơ quan Nhà nước qua email, gửi thư xin lỗi trong trường hợp quá hạn quy định. UBND tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh cũng chú trọng xây dựng chính quyền thân thiện, chủ động và bằng nhiều hình thức tham vấn doanh nghiệp lẫn người dân về mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1219
Quay lên trên