Với khuôn mặt rộng, lốm đốm tàn nhang và thường mặc một bộ xường xám, bà Kay Chinn Mah không khác gì một phụ nữ bình thường ở hòn đảo đất chật người đông Hồng Kông trong những năm tháng nơi này bị quân Nhật xâm chiếm. Nhưng đằng sau vẻ ngoài bình thường đó là một thân phận bí mật mà bà Mah giấu kín đến mức mãi sau khi bà qua đời ở tuổi 91 năm 1997, các cháu bà mới vỡ lẽ.
Bà Kay Chinn Mah và cháu trai.
Trong Thế chiến II, không ai biết rằng công việc của người phụ nữ ấy là thu thập thông tin mật và mạo hiểm dấn thân vào những nơi nguy hiểm mà tính mạng có thể bị quân Nhật đe dọa bất kỳ lúc nào. Bà Mah là điệp viên bí mật của Cơ quan Tình báo Anh (MI-6) trong chiến tranh. Bà thường di chuyển giữa Hồng Kông, Ma Cao và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để thu thập thông tin và hỗ trợ tù binh chiến tranh trốn thoát. Theo lời người giám sát của bà, Mah là một trong những điệp viên xuất sắc nhất.
Cuộc đời bí mật của bà Mah mới đây đã được tiết lộ thông qua những tài liệu lưu trữ của đại tá Lindsay Ride (1898-1977), người sáng lập và chỉ huy của đơn vị tình báo thời chiến British Army Aid Group (tạm dịch: Tổ chức Hỗ trợ quân đội Anh). Sau nhiều năm nghiên cứu, con gái đại tá Ride là bà Elizabeth Ride đã thu thập được các bản sao tài liệu và một số vật chứng quan trọng trưng bày tại Dự án Di sản Hồng Kông. Tài liệu gốc hiện được lưu trữ tại Đài kỷ niệm chiến tranh Australia ở Canberra.
Bà Kay Chinn Mah sinh ngày 15/3/1906 ở làng Sun Boya ở Taishan, tỉnh Quảng Đông. Gia đình bên nội của bà sang Mỹ sống từ năm 1875 và trở thành một trong những gia đình thương gia Trung Quốc giàu có nhất ở thành phố Butte, bang Montana, Mỹ.
Nhưng trong những năm tháng đầu đời, bà Mah lại sống ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Khi Thế chiến II bùng nổ, Mah là phóng viên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng - một trong nhiều tờ báo bị quân Nhật cấm cửa.
Kỹ năng làm báo điều tra thời bình đã giúp bà nhiều trong thời chiến. Theo thiếu tá Colin McEwan, cấp trên trực tiếp của Mah trong Tổ chức Hỗ trợ quân đội Anh, là một phóng viên từ trước khi chiến tranh xảy ra nên Mah quen biết rất nhiều người ở mọi cấp tại Hồng Kông. McEwan thường giao cho Mah làm nhiệm vụ đưa tin và nghe báo cáo tin tức về Hồng Kông. Bà hoạt động dưới mật danh “Castra”.
Nhìn người phụ nữ đó trong bộ xường xám, ít người nghĩ bà có sức chịu đựng và lòng dũng cảm phi thường. Khi nhiệm vụ đòi hỏi, bà sẵn sàng làm tất cả mọi việc khổ nhọc để hoàn thành. Lúc bị quân Nhật bắt và tra tấn, bà vẫn kiên quyết không hé lộ dù một mẩu thông tin.
Sức chịu đựng của Mah được thể hiện khi bà làm nhiệm vụ tại các hòn đảo ngoài khơi vùng châu thổ Canton - nơi quân Nhật xây dựng các vị trí phòng ngự quân sự chống lại hạm đội của Mỹ. Nhiệm vụ này của Mah bắt đầu sau một chuyến trở về từ Hồng Kông. Trong chuyến đi này, bà tình cờ biết tin quân Nhật định mưu tính điều gì đó trên các hòn đào. Bà cho rằng mình có thể lên đảo giả vờ làm một nữ phu khuân vác làm việc cho quân Nhật để phát hiện xem chúng toan tính gì.
Nói là làm và một tháng sau, bà Mah quay trở lại Hồng Kông với nhiều thông tin có giá trị cùng một tập bản phác thảo. Cấp trên của Mah đánh giá những tài liệu bà cung cấp đã tiết kiệm cho họ vô số thời gian và công sức trinh sát hòn đảo này từ trên không. Tài liệu cho thấy bà đã phải khảo sát quá trình vận chuyển ven biển, tìm cách sắp xếp một chuyến phà bí mật từ Hồng Kông tới đảo với một người bạn là thương nhân, đóng giả làm người buôn lậu để mua 3 chiếc thuyền cũ.
Có lần, bà bị quân Nhật bắt, tra tấn và thẩm vấn. Thế nhưng, bằng sự can đảm và khôn khéo, bà đã tìm cách hối lộ để được thoát khỏi quân Nhật. Bà cũng từng viết về sự cố này nhiều năm sau: "Tôi được cử tới Hồng Kông để thu thập tin tức về tiến sĩ Selwyn-Clarke bị quân Nhật bắt làm tù binh. Tôi thành công trong nhiệm vụ nhưng bị quân Nhật bắt vì có thông tin tôi làm gián điệp cho mgười Anh. Tôi bị giam 40 ngày và bị thẩm vấn dày đặc, có lần bị thẩm vấn giữa đêm. Tôi không hề lộ thông tin nào cho người Nhật và tôi cho rằng mình được thả để chúng tiện theo dõi".
Thiếu tá McEwan khẳng định Mah là "một trong những điệp viên độc lập giỏi nhất của tôi". Sau chiến tranh, McEwan và Mah là hai người bạn thân. Con gái ông là Meilan Henderson hiện nay 67 tuổi và đang sống ở Scotland, nhớ lại: "Tôi nhớ bà Mah thường thăm bố mẹ tôi vào những năm 50-60 tại căn hộ của nhà tôi ở vịnh Repulse. Bà là người vui vẻ và hoạt bát. Mỗi lần đến thăm nhà ông McEwan, bao giờ bà Mah cũng để lại ấn tượng là một người nồng ấm và thân thiện”.
Sau chiến tranh, bà Mah làm nghề kinh doanh đồ cổ. Tháng 8/1967, bà sang Hawaii và trở thành công dân Mỹ năm 1982. Trong những năm sau này, bà thường đi lại thăm ba người con ở Radford (Virginia), King of Prussia (Pensylvania) và thành phố New York. Cuối đời, bà chủ yếu sống ở Radford và qua đời tại đó.
Theo CAND