Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 - Kỳ 1

Cập nhật: 26-02-2016 | 07:44:17

Kỳ 1: Sự điều chỉnh cần thiết

 Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Việc điều chỉnh này là rất cần thiết, hội đủ các điều kiện thuận lợi để làm tiền đề thực hiện từng bước cơ bản để đưa Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

 Điều chỉnh quy hoạch các KCN đến năm 2020, Bình Dương tập trung phát triển các KCN về phía bắc của tỉnh. Trong ảnh: Đường vào KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương

 Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bình Dương là một trong những địa phương có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những năm qua, tỉnh nhà đã nhận thức được những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện đón đầu làn sóng đầu tư khi TPP có hiệu lực. Và một trong những bước chuẩn bị đó là thông qua việc hình thành và phát triển các KCN để tạo hệ thống hạ tầng thông thoáng, hiện đại, quỹ đất “sạch” phục vụ thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, định hướng phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là thu hút các ngành nghề sản xuất thâm dụng vốn, kỹ thuật cao như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp với hàm lượng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao; hạn chế phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tài nguyên...

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa KCN Mai Trung với diện tích 51 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020; đồng thời bổ sung mới các KCN gồm Bình Dương Riverside ISC với diện tích 600 ha, Tân Lập I với diện tích 200 ha, Việt Nam - Singapore III (VSIP III) với diện tích 1.000 ha và Vĩnh Lập với diện tích 500 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020. Trong đó, KCN Bình Dương Riverside ISC được định hướng là KCN đa ngành, với các loại hình công nghiệp như điện máy, điện công nghiệp, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, công nghệ tin học, công nghệ kỹ thuật cao, chế tạo máy, cơ khí… Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển các khu đô thị mới trong tổng thể quy hoạch chung đô thị Bến Cát.

Bên cạnh đó, việc đầu tư KCN VSIP III nhằm khai thác hết lợi thế quỹ đất sau khi đầu tư hai tuyến đường Vành đai 4, 5 và tạo quỹ đất thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Từ đó góp phần phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng khu vực huyện Bắc Tân Uyên; mặt khác kết nối với các KCN VSIP II, Mỹ Phước 1, 2 và 3 thành lập chuỗi phát triển công nghiệp, đô thị hiện đại dọc tuyến đường Vành đai 4. Đối với KCN Tân Lập I, dự kiến sau khi được thành lập, đây sẽ là KCN chuyên ngành sản xuất và chế biến gỗ, nguyên phụ liệu ngành gỗ đầu tiên của tỉnh, góp phần tạo điều kiện đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên gắn với phát triển đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng…

Theo quy hoạch, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có 33 KCN tập trung, tổng diện tích khoảng 15.730,18 ha. Tỉnh nhà cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các KCN trên địa bàn 2 thị xã Thuận An và Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn; đồng thời phát triển các KCN tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài KCN bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Khai thác tiềm năng phía bắc của tỉnh

Trong thời gian qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất “sạch” để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động… của tỉnh nhà. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có một số vấn đề bất cập, chậm được khắc phục như: Các KCN chủ yếu tập trung khu vực phía nam của tỉnh đã gây áp lực cho hệ thống đô thị và hạ tầng văn hóa - xã hội; nằm đan xen trong các khu đô thị, khu dân cư; chưa bảo đảm khoảng cách; công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế...

Nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, tỉnh Bình Dương đang định hướng chuyển dịch phát triển các KCN lên phía bắc của tỉnh, đồng thời từng bước chuyển đổi công năng các KCN ở phía nam của tỉnh để tạo quỹ đất phát triển đô thị. Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN là tiền đề quan trọng quyết định việc hình thành và phát triển hệ thống các KCN hiện đại cho tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong tương lai.

Có thể nói, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN tỉnh Bình Dương phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh và là cơ sở quan trọng để lập điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 của Bình Dương. Bên cạnh đó, bổ sung quy hoạch phát triển KCN của tỉnh nhằm khai thác lợi thế về quỹ đất sau khi tỉnh đầu tư các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 (theo trục Đông - Tây), Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13 (theo trục Bắc - Nam)... Mặt khác, các nhà đầu tư hạ tầng KCN sẽ kết hợp đầu tư một phần các tuyến đường như trên theo đúng quy hoạch của tỉnh gắn với những điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong các KCN. Đặc biệt, việc quy hoạch mở rộng, bổ sung mới các KCN giai đoạn 2016-2020 chủ yếu ở khu vực phía bắc của tỉnh, nơi có quỹ đất nông nghiệp còn lớn (chủ yếu là cây lâu năm năng suất thấp), địa hình bằng phẳng rất phù hợp với việc phát triển sản xuất công nghiệp...

Xuất phát từ những điều kiện trên, cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch các KCN của tỉnh đến năm 2020 là rất cần thiết, hội đủ các điều kiện thuận lợi để làm tiền đề, thực hiện từng bước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 theo định hướng của Chính phủ.

 Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ điều chỉnh giảm diện tích các KCN Tân Đông Hiệp B từ 163 ha xuống 150 ha, Sóng Thần III từ 534 ha xuống 427 ha, Đại Đăng từ 274 ha xuống 219 ha, Phú Tân từ 133 ha xuống 107 ha và Kim Huy từ 214 ha xuống 172 ha. Đồng thời, điều chỉnh tăng diện tích các KCN Lai Hưng từ 400 ha lên 600 ha, Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha và mở rộng thêm diện tích các KCN Nam Tân Uyên từ 620 ha lên 966 ha, Rạch Bắp từ 279 ha lên 639 ha và Việt Hương 2 từ 250 ha lên 262 ha...

 Kỳ 2: Các địa phương phía bắc của tỉnh đón đầu cơ hội

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3804
Quay lên trên