Định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương: Tầm nhìn đột phá trên nhiều lĩnh vực

Cập nhật: 10-03-2022 | 05:49:44

Ngày 9-3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức Hội thảo khoa học Định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC; ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của TS Huỳnh Thế Du đã trình bày dự án tư vấn xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự án lồng ghép 6 trụ cột trong 37 nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, đề xuất mô hình 6 trụ cột và 9 mục tiêu quy hoạch. Đồng thời, đưa ra quy trình và công cụ quy hoạch không gian, hạ tầng. Theo nhóm nghiên cứu, những thách thức đối với Bình Dương hiện nay là hệ thống y tế và dịch vụ y tế, giáo dục, hệ thống giao thông chưa ngang tầm phát triển của tỉnh. Đô thị hóa phát triển cao, mở rộng chủ yếu dựa trên phương thức chuyển dịch đất đai trong thời gian ngắn dẫn đến các thách thức về sử dụng đất, môi trường và xã hội. Vấn đề thách thức trong việc chuyển đổi không gian như vùng mới, hạ tầng mới; tái phát triển các khu hiện hữu, phát triển không gian mới, củng cố khu vực phát triển, tăng hiệu quả kết nối hiện hữu; hiệu quả kết nối mới.

Ông Mai Hùng Dũng (phía trên, bên trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội thảo

Nhóm nghiên cứu đưa ra 5 mục tiêu của chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ trên không gian như xác định mục tiêu cụ thể tạo ra nguồn năng lượng mới và công nghệ mới, tổ chức không gian mới, mô hình kinh doanh mới. Hệ sinh thái giá trị gia tăng mới trên nền không gian mới, tính kế thừa và đổi mới. Bình Dương cần thay đổi tư duy Mindset, tức là ưu tiên phát triển giao thông công cộng, phi cơ giới, giao thông xanh. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đề ra cách thức triển khai, chiến lược hai động cơ như xây dựng tầm nhìn, chiến lược và quy hoạch phát triển; chiếc áo cơ chế mới. Trong đó, mục tiêu của dự án đến năm 2050 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại và phát triển, thành phố thông minh, văn minh. Dưới góc nhìn của nhóm nghiên cứu, Bình Dương là tỉnh có mô hình “đặc khu kinh tế” thành công nhất Việt Nam. Thuộc những địa phương có các cụm ngành công nghiệp phát triển và tinh vi nhất cả nước, có nền tảng phát triển vững chắc và cơ hội leo lên nấc thang giá trị gia tăng cao hơn.

Đổi mới mô hình kinh tế

Trình bày về khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương, đơn vị tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã đưa ra 7 bước khung logic gồm nghiên cứu tiếp cận dự án; hiểu hiện trạng - cơ sở dữ liệu - xác định nguồn lực phát triển; phân bổ không gian phát triển, các cấu trúc không gian động lực; tổ chức không gian lãnh thổ… Đồng thời, đề xuất phát triển các cấu trúc không gian lớn như chuỗi đô thị động lực TOD, đô thị trí thức kết nối TP.Thủ Đức và Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương theo động lực cánh Đông vùng. Chuyển đổi hạ tầng dịch vụ công nghiệp và đô thị sang dịch vụ cho số đông - dựa vào động lực giao thông nhanh BRG và Metro Suối Tiên - thành phố thông minh Bình Dương từ động lực vành đai 3 và 4. Chuyển đổi hạ tầng phát triển thành phố thông minh sang thành phố đa phương thức. Số hóa không gian để quản lý phát triển theo công nghệ…

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bình Dương cần tổ chức lại các vùng chức năng và đất đai, có quỹ đất phát triển giao thông công cộng tốc độ cao, hợp lý hóa đất đai để đưa đến giá trị gia tăng cao hơn cho bất động sản và dịch vụ, chuyển sang nền kinh tế trí thức phía Nam, tận dụng cơ hội kết nối vùng tại vành đai 3. Thiết lập không gian lịch sử, văn hóa, con người Bình Dương làm nền tảng phát triển. Phát triển theo chiều sâu hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu để tận dụng cơ hội kết nối vành đai 4. Chuyển đổi mô hình đô thị (thành phố mới - thành phố thông minh - thành phố dịch vụ đa phương thức). Chuyển đổi số toàn diện về mô hình quản lý phát triển lãnh thổ tỉnh.

Tham luận tại hội thảo, theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần đặt Bình Dương trong không gian vùng, định vị, định hình, giải quyết các yếu tố mang tính nền tảng, tạo động lực cho tương lai. Tận dụng, biến lợi thế vùng là lợi thế cho sự phát triển của tỉnh. Bình Dương cần đặc biệt chú ý đến liên kết vùng tạo sức mạnh, tạo đột phá, cần nguồn lực liên kết.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn đơn vị tư vấn đã đóng góp nhiều ý kiến nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quy hoạch chiến lược tỉnh Bình Dương. Ông Mai Hùng Dũng đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia và nhóm nghiên cứu về Bình Dương, mong muốn Bình Dương tiếp tục nhận được các góp ý trong thời gian tới.

 PGS-TS Trần Đình Thiên: Bình Dương không dừng lại ở khái niệm tổ hợp công nghiệp dịch vụ mà cần chuyển đổi sang phát triển đô thị thông minh. Tới đây, hệ sinh thái phát triển của Bình Dương phải là hệ sinh thái phát triển vùng thông minh và sáng tạo trên nền tảng công nghệ số. Nguồn nhân lực chủ yếu chính là nguồn lực sáng tạo trí tuệ, không gian được bảo đảm chính là yếu tố, cấu trúc số 1. Bình Dương sẽ phát triển là một xã hội công khai, minh bạch, hội tụ được sức mạnh vùng.
TS Trần Du Lịch: Việc phát triển Bình Dương phải đặt trong mối quan hệ tứ giác kinh tế, dựa trên bình đẳng số đông, có cơ chế phù hợp sẽ trở thành động lực phát triển không chỉ khu vực phía Nam mà cho cả nước. Tứ giác kinh tế cần phát triển dựa trên nền tảng các phương án phân bố lực lượng sản xuất cần phối hợp với các địa phương; đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường kết nối vùng, vành đai 3, vành đai 4; xây dựng thị trường lao động chung cho cả vùng; giải quyết tình trạng môi trường. Nếu làm được những vấn đề này, tôi tin rằng Bình Dương là địa bàn không nơi nào phát triển tốt hơn trong 10 năm tới.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC:
Các đơn vị tư vấn, chuyên gia đã tìm hiểu Bình Dương rất sâu sắc, rất sát với thực tế, thể hiện được nền tảng mà Bình Dương đang có, mục tiêu, đột phá trong tương lai. Trong thời gian từ 20 - 30 năm qua, Bình Dương đã tận dụng được cơ hội vị trí địa lý liền sát TP.Hồ Chí Minh, tạo động lực phát triển công nghiệp. Tận dụng mối quan hệ, chia sẻ với các nước, nhất là Singapore. Tỉnh đã phát triển hạ tầng, đô thị, dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực. Bình Dương phải xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái mới, luôn luôn năng động, sáng tạo. Bình Dương cần vượt qua bẫy thu nhập trung bình, duy trì được tốc độ tăng trưởng, do đó rất cần các đơn vị tư vấn làm quy hoạch bám sát thực tế, quy hoạch đồng bộ. Quy hoạch phải thật sự có hiệu quả, tạo nền tảng để Bình Dương có những bước đột phá phát triển ngoạn mục. Đây cũng là một mô hình trong tương lai. Tôi hy vọng quy hoạch kỳ này đáp ứng các yêu cầu của Bình Dương, là điểm sáng đóng góp vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam”.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=701
Quay lên trên