Đô thị nâng tầm, góc nhìn từ thực tế - Kỳ 2

Cập nhật: 23-08-2022 | 08:33:37

Kỳ 2: Định hình đô thị thông minh

 Sau thành công vang dội từ mô hình kinh tế công nghiệp tập trung, Bình Dương hôm nay đang tiếp tục hành trình phát triển trong thời kỳ mới. Trong giai đoạn này, tỉnh xác định mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm cho mọi chiến lược phát triển.

 Thành phố mới, vùng lõi của TPTM Bình Dương được quy hoạch xây dựng quy mô, bài bản, hiện đại

 Tầm nhìn dài hạn

Sau hơn 25 năm kiên định với con đường xây dựng, phát triển kinh tế theo hướng thu hút đầu tư, xây dựng công nghiệp tập trung, năm 2016, tỉnh quyết định đưa ra một số thay đổi mang tính chiến lược để tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới. Tiêu biểu trong số đó là Đề án “Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương” với trọng tâm là xây dựng, kiện toàn Vùng đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết TPTM là một khái niệm được nhắc nhiều thời gian qua, mô hình này áp dụng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ giúp gia tăng hiệu quả các hoạt động đời sống, KT-XH của người dân, chính quyền, doanh nghiệp (DN). Để đề án này đạt được hiệu quả cao nhất, các chủ thể trong xã hội, như: Nhà nước, nhà trường và DN cần có sự liên kết chặt chẽ và chung tay giải quyết những vấn đề của xã hội.

Có mặt tham quan và thẩm định hiệu quả thực tế của đề án TPTM và các công trình đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 6-2022 vừa qua, ông Louis Zacharilla, Nhà đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), cho biết ông đánh giá cao sự nỗ lực của Bình Dương. Lãnh đạo ICF cho rằng hiện Bình Dương đang đi đúng hướng và khẳng định với sự quyết tâm cao, tỉnh sẽ thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh như mục tiêu đề ra trước đó.

Là người thường xuyên theo dõi thông tin chính trị, KT-XH, ông Nguyễn Xuân Phượng, cư dân phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cho biết ông cảm thấy rất tự hào và thường xuyên chia sẻ với người thân, bạn bè về những thành quả KT-XH của tỉnh. Đặc biệt là việc Bình Dương nhiều năm liên tiếp được vinh danh là địa phương có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của ICF. “Mong rằng, thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai và hoàn thành các mục tiêu xây dựng đề án để cuộc sống của người dân thêm phần tiện ích”, ông Phượng kỳ vọng.

Không chỉ kiến tạo một cuộc sống tiện ích và hiện đại hơn cho người dân, Đề án “TPTM Bình Dương” còn góp phần thúc đẩy cho sự chuyển đổi số (CĐS) trong môi trường Nhà nước và cộng đồng DN. Cụ thể, những năm gần đây, lượng lớn các cơ quan, tổ chức và DN trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi phương thức hoạt động, vận hành từ truyền thống sang hướng ứng dụng công nghệ. Việc làm này đã giúp các cơ quan, tổ chức, DN tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn nhân lực, đồng thời gia tăng hiệu quả công việc từ 20 - 80% so với trước.

Anh Lê Đắc Thành, kỹ sư công nghệ của một DN chuyên gia công, sản xuất linh kiện máy tính, điện thoại có trụ sở hoạt động tại Khu công nghiệp VSIP II, cho biết ngày trước khi hệ thống dây chuyền sản xuất chưa kiện toàn, nhiều khâu nghiệp vụ chuyên môn phải thực hiện thủ công. Việc này gây ra lãng phí thời gian, chi phí và nguồn nhân lực khiến doanh số, lợi nhuận của công ty chưa được cao. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất tự động, hiệu suất công việc tăng lên đáng kể. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng trong năm 2021, công ty vẫn bảo đảm đơn hàng cho đối tác.

Thông minh trên nhiều lĩnh vực

Những ngày trung tuần tháng 8-2022, chúng tôi có dịp công tác đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đi giữa phố phường tấp nập, mà lòng cảm thấy vui đến lạ. “Bình Dương mình văn minh, hiện đại và giàu - đẹp quá”, anh bạn đồng nghiệp của tôi thốt lên khi đi qua con đường ven sông Sài Gòn vừa mới thông tuyến ở khu vực bờ sông Bạch Đằng đoạn qua phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một.

Đang mải mê ngắm nhìn phố xá đông vui, nghe câu nói của anh bạn đồng nghiệp lòng tôi trào dâng cảm giác tự hào. Từ một địa phương thuần nông ngày nào, quê hương Bình Dương với sự nỗ lực, kiên trì của nhiều thế hệ đã trở thành một trong những đô thị văn minh, hiện đại và đáng sống ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mở lòng trong lúc trà dư tửu hậu, ông Nguyễn Văn Tốt, người dân phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết ông thật sự rất ấn tượng với sự đổi thay của quê hương. So với những ngày đầu thành lập, sự phát triển của tỉnh ngày nay là quá sức tưởng tượng. “Hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, người dân đi lại an toàn, thoải mái. Muốn mua sắm, ăn uống hay giải trí cũng dễ dàng tìm được những cơ sở ngay gần nhà rất thuận tiện”, ông tấm tắc.

Chưa thật sự bằng lòng với những thành quả trước mắt, trong những cuộc họp mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến trình CĐS trong môi trường Nhà nước, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ DN thực hiện CĐS. Theo đó, việc CĐS cần được thực hiện đồng bộ và toàn diện trên các ngành nghề, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm người dân và DN luôn là những người được thụ hưởng đầu tiên.

Chị Nguyễn Trần Ánh Mai, làm kế toán cho một công ty tư nhân có trụ sở trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, cho biết kể từ khi ngành thuế cho phép kê khai thuế định kỳ và nộp báo cáo tài chính DN trên hệ thống cổng thông tin điện tử, công việc của chị đã giảm nhiều áp lực so với trước. Thay vì phải tìm tòi, lưu trữ và trưng dụng hồ sơ giấy để tham gia khai báo thuế, báo cáo tài chính định kỳ thì nay chị chỉ cần lưu giữ các files mềm trên máy tính là được. Ngoài việc khai báo thuế và thực hiện báo cáo tài chính, hiện 90% công việc kế toán của chị đều được thao tác trên máy tính và các ứng dụng văn phòng, ứng dụng chuyên ngành kế toán.

Trong tiến trình CĐS đang được thực hiện rầm rộ, rộng khắp, người dân cũng tỏ ra hân hoan trước những tiện ích mới của cuộc sống. Anh Nguyễn Tấn Trung, người dân phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết thay vì phải giữ tiền mặt hoặc vàng trong nhà như trước đây, hiện nay gia đình anh lựa chọn gửi vào ngân hàng và sử dụng một cách linh hoạt thông qua các dịch vụ ngân hàng số. Khi đi mua sắm, vui chơi, giải trí, gia đình anh cũng thường ưu tiên chọn thanh toán online thay vì trả tiền mặt như trước. “Dịch vụ ngân hàng số và các tiện ích ví điện tử, thanh toán online… đang giúp gia đình tôi giảm nhiều áp lực đối với việc giữ gìn, bảo vệ tài sản và trải nghiệm cuộc sống tốt hơn”, anh Trung chia sẻ.

Với tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân, đề án TPTM đã mang lại những quả ngọt đầu tiên. Sự công nhận của cộng đồng quốc tế, sự ghi nhận của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã chứng minh cho sự đúng đắn trong chiến lược phát triển của tỉnh. Đô thị thông minh đang dần hé lộ, qua đó, một lần nữa tôn vinh tinh thần, bản lĩnh tiên phong của người Bình Dương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, thông minh, đáng sống.

 Tỉnh vừa đưa vào hoạt động hệ thống giám sát, điều hành đối với Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Thông qua các chỉ số về giá trị kinh tế, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, dân cư… được tích hợp tức thời, IOC sẽ là “mắt thần” thông minh giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quát và chi tiết nhất về tình hình của các ngành, địa phương, qua đó kịp thời đưa ra những chỉ đạo, điều hành phù hợp. Người dân, DN có nhu cầu cũng có thể đến Trung tâm Hành chính công ở tháp A, Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh để theo dõi, giám sát các bảng thông tin trên IOC.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=389
Quay lên trên