Đô thị phát triển, kinh tế tăng tốc- Kỳ 2

Cập nhật: 06-08-2024 | 07:21:28

Kỳ 2: Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh

Bình Dương hướng đến phát triển bền vững, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để hoàn thành mục tiêu nói trên, đồng thời để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tạo nên những động lực mới

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Tỉnh ủy đề ra từ nay cho đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh đó là: Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế; phấn đấu tăng trưởng kinh tế trong 2 năm 2024-2025 đạt từ 9 - 10%/năm.

Hạ tầng giao thông TP.Tân Uyên được đầu tư hiện đại, tạo đà cho địa phương tăng tốc phát triển

Đồng thời, Bình Dương tiếp tục quan tâm đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình công nghiệp 4.0; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng.

- Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: TOP 1 ICF (Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới) là cơ hội, động lực để Bình Dương xây dựng định hướng phát triển giai đoạn mới gắn kết hài hòa với các tiêu chí quốc tế và mục tiêu phát triển đô thị thông minh của tỉnh. Qua đó nhằm tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội và tăng trưởng xanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để hướng tới sự thịnh vượng chung của tỉnh và vùng Đông Nam bộ.

Mục tiêu xuyên suốt và cốt lõi của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương là nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy đổi mới thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, cơ hội khi Bình Dương đạt danh hiệu TOP 1 ICF nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng tầm thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận, niềm tự hào của nhân dân về ý nghĩa danh hiệu TOP 1 ICF mà tỉnh Bình Dương đã nỗ lực xây dựng trong thời gian qua.

- Ông Joost Helms, Giám đốc Eindhoven Ecademy, đồng Giám đốc EIPO, nguyên Phó thị trưởng TP.Eindhoven (Hà Lan): Để xây dựng thành công thành phố thông minh, thu hút các nhà đầu tư, Bình Dương cần tạo hình ảnh mới ra thế giới. Để thu hút đầu tư thế hệ mới, Bình Dương cần chuyển đổi sang phát triển đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn; quy hoạch tổng thể mới mở ra những không gian cho những cơ hội mới, tạo ra cơ sở hạ tầng số; sử dụng mạng lưới, mối quan hệ quốc tế với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singaproe… để sẵn sàng tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.

Bình Dương cũng phát triển mô hình khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng công nghiệp sinh thái, dịch vụ hiện đại, đô thị xanh, thông minh, an toàn, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Bảo đảm hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ thống cảng, dịch vụ logistics xung quanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, thông minh, ít thâm dụng lao động, đất đai, năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Song song đó, tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hàng năm đạt trên 95%; đầu tư hoàn chỉnh các công trình trọng điểm kết nối vùng và liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm kết nối vùng, như: Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Nâng tầm vị thế Bình Dương

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết trong giai đoạn hiện nay, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bình Dương đã chủ động tham gia và xây dựng các chiến lược đột phá nhằm thu hút hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; trọng dụng và giữ chân nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số…

Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, xanh, sạch, nâng cao chất lượng đô thị; xây dựng đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng nếp sống đô thị văn minh, thân thiện, nghĩa tình, là nơi đáng sống và làm việc, có bản sắc riêng của Bình Dương.

Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công viên, hoa viên, thực hiện hành trình phủ xanh khu vực đô thị; hoàn thành nâng cấp loại các đô thị theo lộ trình. Đến năm 2025, toàn tỉnh xóa bỏ xong các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông và các khu dân cư chưa đáp ứng điều kiện hạ tầng, đáp ứng đủ chỉ tiêu phát triển nhà ở (diện tích nhà ở đô thị, nông thôn, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội) theo dự báo quy mô dân số của tỉnh từng giai đoạn.

Bình Dương phấn đấu đến năm 2045 trở thành đô thị thông minh của cả nước. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương

Các đô thị được phân loại và phân cấp quản lý, giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Phấn đấu đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh, có vai trò, vị thế quan trọng và tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. 

Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 6 - 8m2/người; đến năm 2030 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân tại các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên đạt 8 - 10m2/người, các đô thị còn lại đạt ≥10m2/người. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 85%; hoàn thành nâng loại các đô thị theo lộ trình. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế trong 2 năm 2024-2025 đạt từ 9 - 10%/năm.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=712
Quay lên trên