(BDO) Chiều 22-6, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát làng nghề để nắm bắt tình hình phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát Cơ sở sơn mài Định Hòa
Hiện trên địa bàn tỉnh có 47 loại ngành nghề nông thôn, phân chia làm 7 nhóm gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối và các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Trong đó, những ngành nghề đang phát triển thuộc nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh và các ngành nghề truyền thống như sơn mài, chạm trổ - điêu khắc, gốm sứ… Cùng với đó, tỉnh có Làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một), 3 nghề truyền thống là sơn mài, điêu khắc, gốm sứ ở TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một.
Nghề sơn mài đã hình thành và phát triển ở Bình Dương từ rất lâu và Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là cái nôi chính của nghề này. Tính đến nay, làng nghề đã hình thành và phát triển được gần 300 năm, tạo ra các sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước về văn hóa truyền thống trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản… Làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc phát triển các làng nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống lao động nông thôn trong tỉnh.
Tin, ảnh: Thoại Phương