Doanh nghiệp cần chủ động liên kết để nâng cao chất lượng lao động

Cập nhật: 08-12-2017 | 08:33:20

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND tỉnh với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2017 mới đây, đại diện nhiều DN cho rằng chất lượng lao động hiện nay còn thấp, tạo rào cản trong quá trình sản xuất và phát triển của DN.

 Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Bonfiglioli Việt Nam (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

 Tăng liên kết giữa DN - nhà trường

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, chương trình đào tạo của các trường hiện nay và nhu cầu thực tế của DN còn nhiều khoảng cách. Lao động ngành dệt may hiện nay vừa thừa vừa thiếu, nhất là đội ngũ thiết kế và quản lý. Đề xuất hướng giải quyết cho ngành dệt may, bà Trang cho rằng các trường cần liên kết chặt chẽ với các DN khi xây dựng chương trình đào tạo. Điều này sẽ giúp học viên sau khi ra trường có thể thực hành ngay, tránh tình trạng như hiện nay là hầu hết các công ty sử dụng lao động đều phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

Theo ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An), không chỉ gặp khó về tuyển dụng, các DN còn gặp khó vì tình trạng công nhân nhảy việc. Điều đáng lo nhất là tình trạng nhảy việc của lực lượng lao động tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều DN bày tỏ mong muốn phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ cho người lao động tại công ty. Thực tế hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh phải sử dụng nhân lực quản lý từ TP.Hồ Chí Minh nên tốn thêm phí đưa đón, ăn ở...

Lãnh đạo nhiều DN cho rằng, sự phối hợp tốt giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo với DN, cùng với tiếp tục có những chính sách phát triển nguồn nhân lực hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động. Đối với các trường đại học, cao đẳng và trường nghề, cần chuyển hướng đào tạo những gì mà xã hội và DN cần, không nên đào tạo những gì mà mình đang có, để tránh tình trạng đào tạo ra nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội công bố năm 2016, hơn 91% DN cả nước gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ thuật; song chỉ có 20% số DN được hỏi có hợp tác thường xuyên với các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, phương thức hợp tác chủ yếu là hỗ trợ và tiếp nhận học viên thực tập, còn các hình thức khác như cùng xây dựng chương trình đào tạo hay gửi lao động đến cơ sở đào tạo còn rất hạn chế.

Các nghiên cứu về chất lượng của nguồn nhân lực trong DN tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây cũng cho thấy, sự bất cập và lạc hậu của những kiến thức và năng lực chuyên môn, kỹ thuật, khả năng giao tiếp ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) còn yếu kém là những yếu tố được nêu ra hàng đầu. Trong đó, việc bồi dưỡng đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong DN không được chính các DN quan tâm sâu sát được xem là nguyên nhân chính. Một thời gian dài, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong các DN được xem như “chi phí” chứ không phải là “đầu tư”. Hiện nay, số lượng DN nhìn nhận được “đào tạo là đầu tư” đã có phần gia tăng đáng kể.

DN cần chủ động

Tại Bình Dương, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) là đơn vị đã làm khá tốt việc đẩy mạnh liên kết với cơ sở đào tạo. Việc BIFA liên kết với trường Cao đẳng Nghề công nghệ và nông lâm Nam bộ về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành gỗ đang được xem là yếu tố đẩy mạnh nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhà trường ban hành chương trình đào tạo gắn kết với hoạt động sản xuất của các DN. Trên cơ sở đó, các DN sẽ góp ý chương trình đào tạo của nhà trường nhằm tìm được tiếng nói chung trong việc đào tạo lao động. Nhà trường và BIFA sẽ tổ chức hội thảo hướng nghiệp - đào tạo nhằm gắn kết hoạt động đào tạo với giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Khi nhận sinh viên thực tập, DN sẽ trả lương, kèm theo những yêu cầu ràng buộc để sinh viên có trách nhiệm cao hơn trong công việc…

Tuy vậy, vẫn còn nhiều DN sử dụng lao động theo kiểu “ăn xổi” và chưa thực sự xem đào tạo là một giải pháp nâng cao năng lực nhân viên nhằm phát triển DN. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn đã và đang triển khai tốt những mô hình gắn kết việc đào tạo với nhu cầu của DN như các trường Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Quốc tế Miền Đông, Cao đẳng Nghề Việt Hàn… Tuy vậy, việc thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với các DN trong từng ngành để tăng cường khả năng thực tập, tạo sự phù hợp, thích nghi với điều kiện làm việc bên ngoài cho sinh viên, học sinh trong quá trình đào tạo trên địa bàn hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, việc đóng góp vào chương trình đào tạo của các trường thì DN hầu như còn khá lơ là; thêm vào đó hầu hết các DN chỉ mới thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động mà chưa chú ý tới công tác phát triển nguồn nhân lực, chưa vạch ra mục tiêu đào tạo, phát triển nhân lực một cách đúng đắn, phù hợp gắn với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể của DN.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động, thu hút lực lượng lao động dồi dào từ các địa phương khác, đáp ứng nhu cầu của DN. Mới đây, tháng 11-2017, tỉnh đã ban hành đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025. Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2020 phấn đấu đưa tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh qua đào tạo đạt 80%; hàng năm giải quyết số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động. Ngành nghề tập trung đào tạo gồm các ngành mũi nhọn, sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của DN như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện, điện tử...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo; cùng với đó tăng cường thực hiện các chương trình đào tạo khởi sự, quản trị DN cho học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp; đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và DN để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng từ 2 - 3 trường cao đẳng có chất lượng tầm khu vực và quốc tế.

Theo các chuyên gia, DN cần chủ động trong việc liên kết với các ngành, chính quyền và xây dựng kế hoạch đào tạo; chú ý xây dựng văn hóa DN, tạo môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp để thu hút được nhân viên giỏi. Bên cạnh đó, DN cần sáng tạo trong việc công nhận và khen thưởng nhân viên để họ cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm, đồng thời tạo động lực cho nhân viên phấn khởi làm việc. Có như vậy mới có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mà DN cần, góp phần tạo việc làm cho xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất cho DN và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, khi Bình Dương xây dựng thành phố thông minh, vai trò của DN trong việc đẩy mạnh liên kết “3 nhà” (Nhà nước- nhà trường - nhà doanh nghiệp) lại càng cấp thiết hơn.

 Tại buổi gặp gỡ với đại diện lãnh đạo DN đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2017, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương có lực lượng lao động gần 1,3 triệu người và có hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng tốt của cả nước, với 8 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp. Đây là những cơ sở để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng lao động của DN. Hiện nay, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành tích cực xây dựng các đề án hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của DN trên địa bàn. Song bên cạnh đó, DN cần phải chủ động trong việc liên kết với các ngành, nhà trường trong việc đề xuất yêu cầu về chất lượng lao động; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và tầm nhìn của chính mình.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên