Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU:

Doanh nghiệp cần tạo lập tên tuổi

Cập nhật: 26-09-2016 | 10:02:41

Vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức hội thảo về Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Euro (VN-EU) với sự có mặt của ông Herb Corchan - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và hàng trăm doanh nghiệp (DN) Bình Dương cùng tham dự.

Doanh nghiệp Bình Dương cần chủ động nâng cao giá trị, tăng cường quảng bá hình ảnh trước cơ hội lẫn thách thức từ TPP và VN-EU. Trong ảnh: May mặc tại Công ty Chutex, KCN Sóng Thần I, TX.Dĩ An Ảnh: XUÂN THI

Thời gian không còn nhiều

Ông Herb Corchan - Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Hiệp định TPP bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng (bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại) và mức độ cam kết rất cao (được đánh giá là FTA có mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam).

Ngày 4-2-2016, TPP đã được ký kết chính thức. Hiện nay, các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để thông qua hiệp định. Dự kiến TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Trả lời của câu hỏi của các DN Bình Dương về lộ trình TPP có hiệu lực, ông Heb Corchan chia sẻ, hiện nay vẫn còn có một số bất đồng nhỏ trong các thành viên của TPP. Hoa Kỳ chiếm 60% GDP của khối TPP, Nhật Bản chiếm 17,9% GDP, Canada chiếm 6,6%... Ba quốc gia này nhiều khả năng thông qua các điều luật được ký kết chung vào năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ GDP của cả 3 thành viên này mới đạt tỷ lệ 84,6% và điều bắt buộc nữa là phải có 6/12 nước thành viên thông qua các điều khoản của TPP. Như vậy ngoài việc bảo đảm giá trị GDP của các nước thông qua Hiệp định TPP là 85%, thì điều kiện bắt buộc TPP đang cần thêm ít nhất 3 thành viên nữa thông qua hiệp định. Nếu các thành viên nỗ lực thực hiện đúng lộ trình đã cam kết thì ít nhất vào tháng 8-2018, TPP mới chính thức có hiệu lực.

Trong khi đó, ông Lê Kỳ Anh, thành viên phái đoàn đàm phán VN-EU cho biết, lộ trình VN-EU nhiều khả năng có hiệu lực cũng trong năm 2018. Năm 2017, VN-EU sẽ được đệ trình lên ủy ban EU mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào Nghị viện EU phê chuẩn hoặc từng nước thành viên. Ở sân chơi này cho dù Singapore có ký kết FTA với EU nhưng Việt Nam vẫn là nước có lợi thế nhất trong khối ASEAN khi VN-EU chính thức có hiệu lực.

Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Từ năm 2000 đến năm 2015, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã tăng hơn 10 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,4 tỷ USD năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 11 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 30,8 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng 8 lần (1,3 tỷ USD lên 10,4 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam sang EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD (tăng 8,68%); nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4,97 tỷ USD (tăng 10,28%).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính. Đặc biệt, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011. Tuy nhiên, đến năm 2015 đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 9,7 tỷ USD. Các nhóm mặt hàng này chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Một số mặt hàng khác có kim ngạch không lớn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng đều (khoảng từ 5 - 10%/năm) gồm: sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách, vali, ô dù, hạt tiêu, hạt điều...

“Các DN Bình Dương có rất nhiều lợi thế khi TPP lẫn VN-EU có hiệu lực, ngoài việc được ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, các mặt hàng chủ lực của Bình Dương như điện tử, linh kiện điện tử, may mặc, da giày, gỗ... còn được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp…”, ông Lê Kỳ Anh cho biết thêm.

Cần chủ động hơn

Đại diện Sở Công thương Bình Dương cho biết, sẽ có làn sóng vốn FDI đổ vào Bình Dương đến từ các nước không có quan hệ thương mại với EU hoặc các nước thành viên Hiệp định TPP khi các hiệp định này chính thức có hiệu lực. Đây cũng là cơ hội cho cả nước, không riêng gì tỉnh Bình Dương tiếp cận với khoa học, công nghệ tân tiến, giúp nâng cao chất lượng hàng hóa cà các sản phẩm dịch vụ... khi các thiết bị, máy móc, nguyên liệu nhập khẩu từ EU và TPP sẽ giảm nhanh và tiến tới phi thuế quan.

Lợi thế của các DN may mặc, giày da Bình Dương chính là được hưởng ưu đãi thuế suất khi mức thuế 18% hiện nay sẽ được giảm dần xuống 0% từ năm thứ 10 khi TPP có hiệu lực. Điều khoản về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp các DN rút ngắn thời gian thông quan trong vòng 48 giờ. Chính vì thế các DN nên xem đây là cơ hội nhiều hơn thách thức mạnh dạn thay đổi công nghệ, thay đổi cung cách, tư duy kinh doanh để tiếp cận thị trường rộng lớn.

Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát cho biết, hàng năm công ty ông xuất khẩu hàng chục triệu USD sang thị trường EU và Hoa Kỳ, nhưng sản phẩm gốm của DN vẫn chưa được nhiều người biết đến trên phạm vi quốc tế. Điều này chính là điểm yếu chung của các DN nội của Bình Dương khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Kỳ Anh nhận định, rất nhiều sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường thế giới đều buộc phải lấy tên tuổi từ nhà nhập khẩu và phân phối. Đơn cử như mặt hàng cà phê, dù EU dùng tới 70% cà phê xuất xứ từ Việt Nam, trị giá hơn 2,2 tỷ USD nhưng người dân EU rất ít người biết được sản phẩm mình đang thưởng thức có nguồn gốc từ Việt Nam. Điều này đã làm cho các DN Việt Nam không khai thác được hết triệt để giá trị gia tăng mà sản phẩm của mình sản xuất đem lại.

Một vấn đề làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng chính là chỉ dẫn địa lý. Hiện nước ta đã công nhận 197 sản phẩm gắn liền chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng từ EU. Chiều ngược lại Việt Nam cũng được EU công nhận 39 sản phẩm gắn liền với chỉ dẫn địa lý. Với chỉ dẫn địa lý gắn với xuất xứ hàng hóa sẽ được bảo hộ vô thời hạn, sẽ làm tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ càng được nhiều người biết đến trên phạm vi toàn cầu.

Bà Đặng Ngô Thảo Nguyên, Giám đốc Công ty Dun & Bradstreet (D&B) Việt Nam cho biết, để nắm bắt các cơ hội kinh doanh mà các FTA thế hệ mới mang lại, DN Việt cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh mang tính toàn cầu. Do đó, công tác minh bạch hóa thông tin, hồ sơ DN nhằm gia tăng mức độ nhận diện, tạo niềm tin cho đối tác và các nhà đầu tư quốc tế là một trong những việc quan trọng cần làm. Đây là xu thế và là một trong những điều kiện tiên quyết, bắt buộc khi DN Việt muốn cộng tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Apple, Intel, Walmart... Có như thế, DN Việt Nam mới nắm thế chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới trong thời gian tới.

 PHÙNG HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=674
Quay lên trên