Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang ý nghĩa thiết thực và quan trọng, nhằm khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước. Qua đó, các doanh nghiệp (DN) sẽ có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân tại vùng nông thôn, công nhân tại các khu công nghiệp. Từ đó việc quảng bá thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối và phát triển thị trường được dễ dàng hơn.
Thiết thực là vậy song thực tế qua nhiều năm, với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức bán hàng lưu động thì chỉ bắt gặp những gương mặt “cũ”. Lý giải về nguyên nhân của vấn đề này, cả phía các đơn vị quản lý Nhà nước và DN đều cho biết khi tham gia các chương trình này DN gần như không có hoặc có rất ít lợi nhuận do chi phí tổ chức, vận chuyển hàng hóa, bố trí nhân lực cao.
Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng DN trong các chuyến đưa hàng về khu vực nông thôn, khu công nghiệp. Về lâu dài, DN cũng cần xây dựng các điểm bán hàng cố định, mở rộng mạng lưới phân phối tại khu vực này để đáp ứng nhu cầu người dân, đồng thời nắm giữ thị phần và mở rộng thị trường. Để làm được điều đó, DN rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán hàng cố định tại địa phương.
TIỂU MY