Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật: 09-09-2022 | 08:04:54

Tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển luôn là quan điểm xuyên suốt được tỉnh nhà thực hiện trong quá trình xây dựng, phát triển nhiều năm qua.

 Đoàn khảo sát Nghị quyết 09 thăm nhà máy sản xuất Công ty Giày Thái Bình

 Cần cú hích mới

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết số 09), cộng đồng DN tại Bình Dương đánh giá cao việc tỉnh nhà tạo điều kiện để DN, hiệp hội ngành hàng tham gia phát triển kinh tế. Các chính sách tạo môi trường thuận lợi kinh doanh, giúp DN mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, chương trình đào tạo cho cộng đồng doanh nhân… được Bình Dương thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, cộng đồng DN cũng mong muốn địa phương, các bộ ngành tạo thêm những điều kiện để có cú hích mới.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của ngành dệt may giá nhập khẩu rất cao. Trong khi các DN vừa và nhỏ lại khó có thể sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho ngành dệt may do cơ chế tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy, chữa cháy quy định khắt khe, chi phí đầu tư quá lớn. Hiệp hội Dệt may tỉnh kiến nghị cần có cơ chế liên kết vùng để giảm chi phí cho DN. Bà Trang cho rằng đối với công tác đào tạo nghề, ngoài đào tạo chuyên môn, cần đưa vào giáo trình đào tạo thêm về tác phong, ý thức trách nhiệm trong công việc cho người lao động (NLĐ). Bà Trang mong muốn có những khu cụm công nghiệp tập trung cho ngành công nghiệp phụ trợ may mặc, qua đó có phương án về môi trường, phòng cháy chữa cháy chung để “cởi trói” cho các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cần phát huy vai trò của khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) trong hình thành và phát triển chuỗi cung ứng hỗ trợ các DN Việt Nam lớn mạnh. Hiện tại, thị trường cung ứng, liên kết của DN trong nước và DN FDI chưa chặt chẽ. Đặc biệt, Trung ương cần tạo hành lang pháp lý để Bình Dương tiếp tục sáng tạo, đột phá trong việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho cộng đồng DN phát triển thay vì những bước đi quá thận trọng.

Ngoài ra, các DN cũng đề xuất nên có trung tâm xúc tiến thương mại khu vực phía Nam để tạo sức hút với khách hàng quốc tế. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần có bộ phận tư vấn pháp lý về hợp tác giao thương bán hàng, có đường dây nóng để giải đáp, xử lý các phản ánh của DN. Các thể chế chính sách phải được triển khai nhanh để hỗ trợ DN kịp thời.

Chuẩn bị cho đường dài

Từ thực tiễn cho thấy, môi trường kinh doanh luôn xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Để tồn tại và phát triển vững chắc, ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Thái Bình cho biết trong ngắn hạn, ngành giày da đang gặp phải nhiều khó khăn song điều cốt yếu các DN phải cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ vượt qua. “Việc thiếu hụt lao động, cùng áp lực chi phí liên quan ngày càng tăng, để giải quyết bài toán này về lâu dài, các DN cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Công ty Giày Thái Bình tiên phong trong lĩnh vực đầu tư cho nghiên cứu phát triển với trung tâm nghiên cứu các sản phẩm có quy mô quốc tế. Việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản phẩm giúp DN chủ động trong việc sản xuất sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mang thương hiệu lớn”, ông Thuấn chia sẻ.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đánh giá Bình Dương đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển bình đẳng, đúng quy định pháp luật. Với môi trường kinh doanh thuận lợi, Bình Dương đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất, kinh tế lớn nhất của cả nước. Bên cạnh đó nhận thức và trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai Nghị quyết số 09 rất cụ thể, rõ ràng mang lại những kết quả rõ nét thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá và kiến nghị của địa phương, DN, đoàn công tác sẽ tham mưu Bộ Chính trị đánh giá tổng kết Nghị quyết số 09 và ban hành nghị quyết mới nhằm tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.

Ông Công lưu ý DN cần nâng cao kiến thức về pháp luật liên quan đến ngành hàng, tận dụng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy tăng trưởng, hợp tác liên kết vùng để gia tăng sức mạnh. Cùng với đó, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên thương hiệu và chỗ đứng cho DN trên thị trường. Yếu tố cuối cùng là cần xây dựng môi trường bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, DN lớn với DN vừa và nhỏ, DN Nhà nước và DN tư nhân.

 Quy mô kinh tế của tỉnh trong những năm qua liên tục gia tăng. Năm 2020, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn của tỉnh theo giá hiện hành đạt 389.605 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần so với năm 2011 (tương ứng tăng 326.729 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 8,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,1%/năm. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực DN ngoài Nhà nước giữ ổn định và chiếm bình quân 41% trong GRDP. So với năm 2011, số lượng DN ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2020 đã tăng 5,1 lần, tương ứng tăng từ 11.469 lên 58.290 DN, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 19,7%/năm, cao nhất trong các khu vực.

 TIỂU MY - CẨM TÚ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=320
Quay lên trên