Ngành gỗ hiện đang đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành gỗ nước ta đang xếp hạng 4 trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp (DN) gỗ cần tăng năng suất để tiếp thêm sức cạnh tranh trên thị trường.
Thách thức từ nguồn nguyên liệu
Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Gỗ Kim Thành A cho biết, sản phẩm gỗ từ gỗ cao su hiện nay rất được thị trường ưa chuộng; nhiều DN gỗ tại Bình Dương đang thiếu nguồn nguyên liệu gỗ cao su phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. Hiện một số nước trong khu vực như Malaysia, Lào, Campuchia… đã hạn chế xuất khẩu nguồn nguyên liệu thô để bảo đảm nguyên liệu sản xuất trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cấm khai thác rừng tự nhiên nên nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của quốc gia này rất lớn. Thời gian qua, nhiều DN gỗ trong nước tỏ ra lo lắng khi các thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nguyên liệu gỗ cao su tại nước ta.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA cho hay, DN gỗ cả nước đã đề xuất Chính phủ cần ban hành các chế tài cần thiết để giữ nguồn nguyên liệu thô trong nước. Ai cũng ý thức được việc xuất khẩu nguyên liệu thô mang lại ít giá trị hơn là làm ra sản phẩm để xuất khẩu, nhưng nếu không xuất khẩu nguyên liệu thô thì ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của người nông dân tham gia trồng rừng. Khi giá nguyên liệu tăng cao, không thể cấm nông dân bán nguồn nguyên liệu cho các thương lái nước ngoài.
Ngành gỗ cần đẩy mạnh liên kết hơn nữa để tăng năng suất. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Gỗ Kim Thành A. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Hiện giá nguyên liệu gỗ cao su đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2016, cùng với đó thị trường cung cấp gỗ xẻ tại Bắc Mỹ, Bắc Âu, Trung Quốc… cũng tăng mạnh từ 6-13%. Chính vì thế, các DN cần chủ động nguồn nguyên liệu về lâu dài; không chủ động nguyên liệu sẽ gây rất nhiều khó khăn cho chính các DN. Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mtrade cho rằng, trước mắt các DN chỉ có thể dùng gỗ tràm vào một số chi tiết của sản phẩm, nguyên liệu gỗ cao su vẫn rất cần thiết cho hoạt động sản xuất của DN.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nguồn gỗ cao su thanh lý vào cao điểm sẽ là giai đoạn 2020-2025, với diện tích 12.000 ha mỗi năm. Qua giai đoạn này, nguồn gỗ nguyên liệu cao su sẽ sụt giảm mạnh, chỉ còn 6.000 ha mỗi năm. Trong khi chờ Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển các vùng trồng nguyên liệu gỗ, các DN nên đẩy mạnh việc nâng cao năng suất lao động để giảm giá thành, chi phí sản xuất, nâng sức cạnh tranh… khi nguồn nguyên liệu đang dần trở nên khan hiếm.
Chủ động tái cơ cấu và liên kết
Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt nói, theo số liệu thống kê, năng suất lao động cả nước đang rất thấp, chỉ bằng 1/10 so với Hàn Quốc, 1/5 so với Malaysia, 1/15 so với Singapore… Chính vì thế, tái cơ cấu DN, điều chỉnh nhân sự để tăng năng suất lao động là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Phúc, Tổng Thư ký BIFA thì cho rằng, có nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng năng suất, như: Mở rộng nhà máy, đầu tư máy móc thiết bị; nâng cao chất lượng lao động, chất lượng quản trị: đổi mới sáng tạo liên tục các sản phẩm mới… Tuy nhiên, việc tăng vốn đầu tư chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất.
Thực tế cho thấy, một số DN gỗ tại Bình Dương với thiết bị máy móc thô sơ vẫn có thể cho ra năng suất lao động cao, lợi nhuận nhiều. Các DN cần xác định liệu DN mình đã khai thác hết tiềm năng sẵn có hay chưa, khâu nào còn yếu, khâu nào làm giảm năng suất lao động để tiện cho việc tái cơ cấu, tái cấu trúc lại DN.
Ông Thanh cho biết thêm, BIFA đã có những chuyến đi sang Italia học hỏi kinh nghiệm. Qua khảo sát cho thấy, quy mô nhà máy sản xuất của họ thậm chí thua xa một số DN gỗ của Bình Dương. Máy móc, thiết bị công nghệ của DN Italia không hơn nhiều so với DN trong nước, tuy nhiên năng suất của họ rất cao. Nguyên nhân chính là ngành gỗ Italia được phân công rất chuyên nghiệp, mỗi DN chỉ đảm nhận sản xuất một hoặc hai chi tiết trong chuỗi sản xuất. Vì thế, cho dù là tập đoàn lớn, quy mô nhà xưởng của các DN Italia nhỏ hơn rất nhiều so với các DN gỗ Bình Dương. Nhờ tiết kiệm nhiều chi phí nhà xưởng, nhân công… nên ngành gỗ của Italia thuộc tốp đầu của thị trường xuất khẩu.
Theo lãnh đạo BIFA, ý tưởng đẩy mạnh liên kết trong bối cảnh ngành gỗ đang gặp khó khăn mọi mặt đang được các DN gỗ tại Bình Dương rất tán thành. Sắp tới, việc liên kết sẽ từng bước được tiến hành, trước mắt là tập trung vào nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Bước tiếp theo là BIFA cũng học hỏi mô hình liên kết của Italia, phân công, chuyên môn hóa từng chi tiết sản phẩm… cho từng DN. Việc liên kết này chỉ có thể thành công khi cộng đồng DN gỗ hướng đến mục tiêu chung là ngành gỗ cả nước cần đặt trọn niềm tin vào nhau.
PHÙNG HIẾU