Doanh nghiệp gỗ trong nước đối mặt nhiều thách thức

Cập nhật: 08-06-2017 | 08:44:15

 Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Đây là một con số ấn tượng, chứng tỏ ngành công nghiệp chế biến gỗ đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước.

 Lo thiếu nguyên liệu gỗ

Những năm gần đây, với chính sách phát triển rừng của Việt Nam, nguồn nguyên liệu tại chỗ rất quan trọng cho ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của nước ta. Nhà nước đã tạo điều kiện cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ từng bước ổn định và phát triển, tạo ra những lợi thế cho ngành gỗ xuất khẩu tăng trưởng tốt. Với việc phát triển thêm hàng triệu ha tràm và cây cao su, Chính phủ đã tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững để những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ phát triển và mở rộng sản xuất.

Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An).
Ảnh: P.HIẾU

Tuy nhiên, năm 2017, trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á cấm khai thác gỗtừ rừng tự nhiên, ngành gỗ của Việt Nam nói chung và ngành gỗ của Bình Dương nói riêng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt gỗ nguyên liệu trầm trọng. Việc một số doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tăng tốc thu gom gỗ nguyên liệu với giá cao đang đẩy doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng như tại Bình Dương vào cảnh khó khăn hơn.

Số liệu đưa ra tại Hội thảo về nguồn cung gỗ nguyên liệu vừa qua cho thấy, trong 9 tháng năm 2016, lượng ván bóc xuất khẩu của cả nước đạt 240.000m3, tăng 2,4 lần lượng xuất khẩu trong cả năm 2015; lượng gỗ xẻ cao su cũng tăng từ 120.000m3 trong năm 2015 lên 170.000m3 trong 9 tháng năm 2016. Trong năm 2015, nếu lượng ván ghép, gỗ dùng trong xây dựng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 11.000m3 thì 9 tháng năm 2016 đã tăng lên 67.000m3…

Từ cuối năm 2016, tại Bình Dương, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và một số doanh nghiệp trong nước đã hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su và gỗ keo tràm để xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước lân cận. Hệ thống các công ty này thu mua nhiều, số lượng lớn, thậm chí sẵn sàng trả trước số tiền rất lớn để đặt cọc gỗ cao su, gỗ keo. Điều này dẫn đến giá gỗ tăng gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm còn tăng gấp đôi. Chẳng hạn, tình trạng khan hiếm hàng đã đẩy giá cao su tăng từ 4,5 triệu đồng/m3 lên 6,5 triệu đồng/m3 từ đầu năm 2017.

Cần sớm có chính sách hiệu quả

Bình Dương hiện có trên 500 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Các công ty đã rất nỗ lực mở rộng sản xuất để hướng đến đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2020 của ngành gỗ cả nước. Điều này cũng đặt ra bài toán về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ngành chế biến gỗ của tỉnh lâu nay được biết đến là có nhiều lợi thế về nguồn gỗ nguyên liệu do nằm trong vùng nguyên liệu cao su, bên cạnh đó có nguồn lao động dồi dào và chính sách tạo điều kiện từ phía lãnh đạo tỉnh. Nhưng hiện nay, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh đang đối mặt với sức ép lớn về nguyên liệu. Hiện đang có một nghịch lý là các doanh nghiệp gỗ trong tỉnh phải nhập khẩu nguyên liệu, thu mua nhỏ lẻ với của các hộ gia đình với giá cao để bảo đảm đơn hàng, trong khi nguồn nguyên liệu gỗ tốt lại để xuất khẩu. Từ sự thiếu hụt này, lãnh đạo các doanh nghiệp gỗ trong tỉnh cho biết đã khiến giá thành sản xuất đang bị đội lên rất cao, chất lượng sản phẩm không thể tối ưu nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo lãnh đạo BIFA, hiện nay các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bị thua ngay trên sân nhà, nếu không có chính sách hiệu quả, kịp thời thì doanh nghiệp gỗ trong nước khó có thể đứng vững trong vòng 5 năm tới. BIFA mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm tạo thêm những cơ chế về vốn, máy móc để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ trong tỉnh có thể cạnh tranh tốt với doanh nghiệp FDI. Trước mắt, các ngành chức năng cần sớm có động thái trình Chính phủ, Bộ Công thương, các ban, ngành liên quan ban hành giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu, đang diễn ra một cách ồ ạt như hiện nay, để bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp bền vững cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ trong nước trong thời gian tới.

Lãnh đạo BIFA cũng kiến nghị tăng mức thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ (không phân biệt quy cách) lên cùng mức 20%. Các bộ, ngành liên quan nên có một chế tài chặt chẽ để kiểm soát lượng gỗ xuất khẩu, tránh tình trạng thu mua ồ ạt dẫn đến tình trạng không ổn định về giá gỗ nguyên liệu, đầu cơ, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước. Đối với chính quyền địa phương, các ngành hải quan, kiểm lâm cần tăng cường các giải pháp về thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom và lẩn tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu.

 Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở đã nắm rõ tình hình khó khăn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ của tỉnh, đồng thời đã lập báo cáo gửi UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những kiến nghị cụ thể của BIFA. Lãnh đạo sở cũng nhận thấy tầm quan trọng, mức độ phát triển của ngành chế biến xuất khẩu gỗ của tỉnh. Sở đang lập dự thảo Đề án phát triển ngành gỗ để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong dự thảo đề án có nhiều nội dung về cơ chế, chính sách, vốn, quy hoạch cụm… nhằm đưa ngành gỗ tỉnh nhà phát triển ổn định.

 

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên