Doanh nghiệp “khát” lao động có tay nghề cao

Cập nhật: 27-07-2018 | 08:47:22

Những năm qua, nhu cầu nhân lực và thị trường lao động tại Bình Dương phát triển nhanh theo hướng tăng nguồn lao động chất lượng cao. Các chuyên gia cho rằng, Bình Dương sẽ tiếp tục có hướng đi riêng trong đào tạo nhân lực để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của mình.

Khó giữ chân lao động có tay nghề cao

Khảo sát của phóng viên tại các doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa phần các DN quan tâm tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Các ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao là dệt may, giày da, gỗ, chế biến lương thực thực phẩm, điện cơ, thương mại, dịch vụ vận tải, điện tử - công nghệ thông tin... Trong xu hướng hội nhập, hiện nay nhiều DN đã tập trung cải tiến, đầu tư trang thiết bị hiện đại nên rất cần đội ngũ công nhân kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động đã qua đào tạo nghề hiện nay còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thiếu và thừa nguồn lao động vẫn đang tiếp diễn. Cụ thể, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu hơn 46.320 lao động nhưng kết quả chỉ có hơn 25.110 lao động có việc làm ổn định.

 

Học sinh tìm hiểu một mô hình sản xuất tại Ngày hội Khoa học sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vừa qua. Ảnh: TIỂU MY

Nhằm góp phần giải quyết tình trạng nói trên, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong tỉnh đào tạo và tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, các DN trong hiệp hội cũng thực hiện các giải pháp cơ bản, bảo đảm việc làm ổn định, cải thiện chế độ lương... tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có việc làm ổn định và có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Theo thông tin từ BIFA, do tình trạng thiếu hụt nên DN phải tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề bổ sung, đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng các quy trình của hệ thống sản xuất mới. Tuy nhiên, các DN hiện gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động có tay nghề vì xu hướng nhảy việc của lao động sau khi được đào tạo ngày càng nhiều hơn.

Tại Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN năm 2018 được tổ chức vừa qua, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, các hiệp hội nghề nghiệp, DN trên địa bàn tỉnh… đã bàn cách phối hợp hiệu quả nhiệm vụ này. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng về phía Nhà nước, các cơ chế, chính sách đang được xây dựng dần hoàn thiện, tuy nhiên vẫn chưa đủ; khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của DN trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn chưa được áp dụng trong thực tiễn; mã số ngạch bậc trả lương của người lao động theo khung 8 bậc hiện nay vẫn chưa thực hiện… Những hạn chế này là rào cản để kết nối các cơ sở GDNN và DN. Đối với DN, số lượng và chất lượng gắn kết giữa DN với cơ sở GDNN còn hạn chế, nguyên nhân do một số DN chưa cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách, những lợi ích khi tham gia đào tạo nghề và chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với cơ sở GDNN; thụ động trong thiết lập mối quan hệ hợp tác với các DN.

Đối với công tác phối hợp của các cơ sở GDNN với DN để tổ chức các đợt cử nhà giáo đi thực tập cập nhật những tiến bộ khoa học, vận hành thành thạo máy móc và các trang thiết bị mà DN đang vận hành cũng chưa được thực hiện; chương trình đào tạo xây dựng chưa sát với yêu cầu công việc thực tế tại DN…

Tại hội thảo, các ngành chức năng, địa phương và DN đã thống nhất cao về việc tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ theo yêu cầu của xã hội. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục phối hợp triển khai tốt những nội dung hợp tác trong lĩnh vực GDNN, việc làm, cụ thể: Phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các DN; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của DN...

Cần hướng đi riêng

Theo các chuyên gia, thời gian qua Bình Dương đã có một loạt những chính sách hữu hiệu về lao động, tạo lợi thế cho tỉnh. Bình Dương đã có chính sách xây dựng trường đào tạo nghề chất lượng tốt, huy động được nhiều nguồn lực tham gia công tác đào tạo lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điểm nổi bật trong chính sách về trường đào tạo nghề của tỉnh là mô hình trường nghề được tổ chức gắn chặt với DN và khu công nghiệp. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng nghề đã phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, hiệp hội DN tổ chức xúc tiến đầu tư để tìm hiểu nhu cầu của DN; mô hình thường được vận hành là các trường liên hệ trực tiếp với DN để phối hợp tạo nên nội dung đào tạo hoặc mở các khóa dạy theo nhu cầu cụ thể của DN.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh học nghề trong toàn tỉnh là 35.000 học viên (trong đó cao đẳng 2.000 sinh viên, trung cấp 3.000 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng 30.000 học viên); tổ chức đào tạo nghề cho 1.547 học viên lao động nông thôn; phát triển 80 cơ sở GDNN theo hướng xã hội hóa… Hiện nay, với mức độ cạnh tranh diễn ra ngày càng khốc liệt của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến phát triển Bình Dương trở thành đô thị thông minh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; nhiều dự án khởi nghiệp cũng sẽ xuất hiện... như đúng tinh thần mà ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội khoa học sáng tạo được tổ chức vừa qua.

Hiện nay, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, tay nghề trở nên cấp thiết. Tại hội thảo “Vai trò của đổi mới sáng tạo và giáo dục Stem trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” mới đây, do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên gia về giáo dục toàn cầu của Microsoft tại Việt Nam, cho rằng với những lợi thế phát triển của kinh tế địa phương, Bình Dương cần có hướng đi riêng trong giáo dục - đào tạo để nâng tầm vị thế của mình. Cụ thể, ngành giáo dục-đào tạo của Bình Dương cần kế thừa kiến thức từ cấp học cơ sở, phổ thông khi GDNN. Đặc biệt, với lợi thế từ 7 trường đại học trên địa bàn, tỉnh cần tận dụng nguồn nhân lực là giảng viên, sinh viên, các cơ sở thí nghiệm để khai thác khả năng sáng tạo của nguồn lực lao động ngay từ cấp phổ thông, nhằm đào tạo ra một thế hệ lao động có kỹ năng tốt, sáng tạo trong tương lai. Bên cạnh đó, bà Quyên cũng cho rằng, Bình Dương cần tăng cường khảo sát nhu cầu lao động từ việc gắn kết hơn nữa các DN trong tỉnh nhằm xây dựng mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn…

 Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho rằng hiện nay, việc tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề vô cùng khó khăn, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật, vì đa phần sinh viên ra trường đều có tâm lý muốn vào DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Trọng cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành, gắn kết nhu cầu sử dụng lao động. Cụ thể, các ngành chức năng nên tổ chức các hội nghị việc làm để cho các DN trực tiếp tiếp cận và tuyển dụng nhân lực, qua đó phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN.

 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên