Doanh nghiệp ngành gỗ: Vẫn lo thiếu nguồn nguyên liệu

Cập nhật: 03-04-2018 | 07:56:58

Giá nguyên liệu gỗ trong nước và nhập khẩu đang trên đà tăng mạnh. Trong khi đó, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ trên địa bàn tỉnh đang khá dồi dào, khiến sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ đang diễn ra khá gay gắt.

 Nguồn cầu lớn

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong quý I-2018 ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Còn đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) cho biết, nhiều DN gỗ trên địa bàn tỉnh đã có đơn đến quý III-2018. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đang tạo ra nhiều áp lực cho các DN gỗ trong tỉnh. Hiện nay, không những các DN của Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nguồn nguyên liệu gỗ mà các nước khác như Ấn Độ, Brazil... cũng đang mở rộng thị trường tìm kiếm nguyên liệu, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu nguồn nguyên liệu gỗ của các DN trong tỉnh chủ yếu là ván MDF, gỗ thông, gỗ bạch đàn, gỗ cao su…

Ngành sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương phát triển mạnh
trong những năm vừa qua

Ông Trần Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Lâm Phát (TX. Thuận An), chuyên thu mua gỗ cao su cho hay, giá gỗ cao su thanh lý có đường kính từ 10cm trở lên hiện được thương lái mua ở mức 1,4 - 1,6 triệu đồng/cây, tăng hơn 30% so với cách đây 6 tháng và tăng gần gấp 3 lần so với cách đây vài năm. Giá gỗ cao su đang mức cao nhưng công ty vẫn không đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu của các DN. Đại diện Công ty TNHH Quang Hà (Bắc Tân Uyên) thì cho hay, thời gian gần đây, mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường khỏang 2.000m2 gỗ cao su, cao hơn so với trước đây. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ đang rất lớn.

Đối với nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu cũng đang trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Hiện nay, Công ty TNHH gỗ Phương Đông (TX.Dĩ An) mỗi tháng nhập hàng ngàn m3 gỗ từ châu Âu, châu Phi, Mỹ... nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các DN tại Bình Dương.

Sớm có giải pháp lâu dài

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, tất cả sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp. Chính vì vậy, nguyên liệu gỗ là bài toán khó cho ngành gỗ trong nước khi phải tìm nguồn cung gỗ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ ở mức 10 - 15% mỗi năm như hiện nay và phải bảo đảm rằng nguồn gỗ này có nguồn gốc hợp pháp.

Lãnh đạo nhiều DN gỗ trên địa bàn tỉnh cho rằng, ngành gỗ trong nước sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra là kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 và 20 - 30 tỷ USD vào năm 2040. Tuy vậy, nếu các DN gỗ trong nước không chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu rất có thể các đơn hàng sẽ “chảy” về các nước đang là đối thủ xuất khẩu của ngành gỗ nước ta.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu còn phải đối mặt với rủi ro, bởi một số nước chuyên xuất khẩu nguyên liệu gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Chẳng hạn, nguồn gỗ nguyên liệu nhập từ châu Phi chiếm khoảng 20% tổng số nguyên liệu gỗ Việt Nam nhập khẩu mỗi năm, trong đó Cameroon, Ghana là hai quốc gia cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho thị trường Việt Nam. Hai quốc gia này đang đàm phán với EU để thiết lập hệ thống bảo đảm tính hợp pháp nguồn gốc gỗ. Các quốc gia còn lại tại châu Phi chưa đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ.

Theo các chuyên gia, để giải bài toán nguyên liệu gỗ, Nhà nước cần sớm có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích các DN nhập khẩu nguyên liệu gỗ, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, các DN cần được trợ giúp thông tin về nguồn gốc, thị trường cung cấp gỗ cho Việt Nam… để giúp DN tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên