Theo cam kết của các doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế trên địa bàn, tất cả ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, chung tay đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất theo đúng tinh thần của lãnh đạo tỉnh.
Công ty HTC bảo đảm nguồn cung vật tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương
Chung tay phòng, chống dịch bệnh
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, một số địa điểm bán khẩu trang lẻ giá bắt đầu tăng nhẹ từ 2.000 - 5.000/hộp so với thời điểm chưa có ca nhiễm bệnh. Tại một số quầy thuốc trưng bày khẩu trang với một lượng khiêm tốn. Mức giá trung bình 35.000 - 40.000 đồng/hộp 50 chiếc, có nơi 50.000 - 55.000 đồng/hộp tùy loại. Nhìn chung, đến nay tuy có tăng giá nhẹ song không có tình trạng hỗn loạn đổ xô đi mua hàng, nguồn cung trên thị trường khá đầy đủ. Người dân đã quen với tâm lý giãn cách xã hội qua nhiều đợt nên bình tĩnh, hiểu biết hơn trong công tác phòng, chống bệnh dịch.
Xác nhận giá cả và nguồn cung mặt hàng này qua điện thoại, các nhà cung cấp thông tin hàng sẵn có nhưng không thể cung ứng trong một lần vì phải cung cấp đều đặn cho các đại lý. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Thành, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư y tế Sen Việt, cho biết nguồn cung khẩu trang sản xuất trong nước đang dư thừa. Do đó, không thể có tình trạng khan hàng, thiếu hàng mà tăng giá. Về giá cả, đại diện doanh nghiệp này cũng cho hay giá khẩu trang có nhiều loại. Với các sản phẩm khẩu trang sản xuất thông dụng có 4 lớp kháng khuẩn thường được bán với mức 18.000 - 19.000 đồng/hộp, nhưng với hàng đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn để xuất đi châu Âu, Mỹ hay đưa vào các bệnh viện, mà ở Việt Nam chỉ 2 - 3 nhà máy đáp ứng được, thường có giá cao hơn. Tại Bình Dương, trong đợt dịch bệnh lần này bảo đảm Công ty Sen Việt vẫn cung cấp ra thị trường khẩu trang đúng chuẩn quy định với giá cả không thay đổi. “Tôi mong muốn người dân lựa chọn đúng khẩu trang đạt chất lượng để bảo vệ bản thân và gia đình tốt nhất. Các nhà sản xuất khẩu trang vẫn duy trì sản xuất đều đặn nên người dân không cần tích trữ…”, ông Thành khẳng định.
Ông Lưu Thái Quan, Giám đốc Công ty Khẩu trang y tế Khánh An, cho biết đến thời điểm này công ty vẫn giữgiá bán từ 4 - 5 tháng nay là 24.000 - 25.000 đồng/hộp. Hiện công ty đang động viên công nhân ở lại Bình Dương làm việc, vừa bảo đảm duy trì sản xuất mặt hàng thiết yếu trong dịch bệnh, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Chính phủ và địa phương. “Mấy ngày qua chúng tôi ráo riết động viên công nhân ở lại làm việc. Mong muốn công nhân hiểu được chủ trương không di chuyển lúc này là góp phần phòng, chống dịch bệnh. Công ty cố gắng để lo cho đời sống công nhân tốt nhất trong mùa dịch bệnh”.
Ưu tiên cho thị trường Bình Dương
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần HTC, cho biết hiện nay đơn hàng xuất khẩu đối với găng tay của nhà máy vẫn có rất nhiều, song trong trường hợp khẩn cấp, ngành y tế cần công ty vẫn quyết tâm ưu tiên cho thị trường Bình Dương trong công tác phòng chống và dập dịch. Đến nay, HTC đã kích hoạt lại sản xuất đồ bảo hộ phòng dịch cung cấp cho địa phương. “Hơn hết, chúng tôi ý thức rõ chỉ có việc chung tay khống chế nhanh dịch bệnh thì doanh nghiệp, người lao động mới có cuộc sống bình yên và ổn định sản xuất”, bà Hải chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường đã có chỉ đạo về tăng cường các biện pháp quản lý trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, yêu cầu toàn lực lượng thực hiện cao điểm phòng, chống dịch bệnh bên cạnh các kế hoạch cao điểm khác. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế.
TIỂU MY