Doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ nguồn vốn đầu tư dịch chuyển

Cập nhật: 07-09-2022 | 09:38:03

 Không chỉ nỗ lực tìm mọi cách để cầm cự trong hơn hai năm đối mặt với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương tìm cách tận dụng mọi cơ hội để cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng, đón cơ hội từ làn sóng đầu tư mới.

 THACO Industries giới thiệu các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất tại hội chợ công nghiệp Việt Nam 2022 vừa tổ chức tại Bình Dương

 Động lực mới

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho rằng tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, các DN tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, nguy cơ từ lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn nỗ lực vượt khó, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy mạnh vào địa phương đã và đang tạo ra những cơ hội mới.

Trên thực tế, dòng vốn FDI đã tạo ra những cơ hội mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển. Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung: “Nếu trước đây công ty chú trọng các đối tác xuất khẩu thì hiện nay tìm kiếm thêm các đối tác FDI. Họ cần hàng hóa đủ chất lượng, công ty cần xuất hàng ngay tại Việt Nam để đỡ chi phí vận chuyển. Công ty đáp ứng được các chi tiết về kỹ thuật và đã bắt đầu làm việc với các đối tác FDI. Trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, đây là giải pháp tốt cho cả chúng tôi và cả đối tác FDI”.

Ông Đỗ Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Trung Dũng (TP.Dĩ An), cho rằng các DN cần chú trọng hơn tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa. “Mỗi DN tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó giúp cho DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt”, ông Ngọc đưa ra lời khuyên.

Thực tế có rất nhiều DN FDI có nhu cầu song chưa gặp hoặc chưa được đáp ứng các nguyên phụ liệu từ các đối tác Việt Nam. Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Tetra Pak (VSIP II), cho biết Tetra Pak mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy công nghiệp địa phương. Tetra Pak cũng muốn kết nối với các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam, song đến nay chưa có đơn vị nào đạt tiêu chuẩn của nhà máy đưa ra. Ông cũng kỳ vọng trong thời gian tới sớm có được nguồn cung nội địa để phát triển sản xuất.

Trước vấn đề này, theo ông Mai Hữu Tín: “Các DN vừa và nhỏ có thể hợp tác theo mô hình nhóm ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, các DN có thể cam kết ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của nhau, hàng hóa của DN này có thể là nguyên liệu đầu vào của DN kia, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm”.

Bắt nhịp xu thế

Ông Huỳnh Quang Nhung, Phó Tổng Giám đốc THACO Industries, cho rằng hiện nay xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng mới, đặc biệt là sản xuất cơ khí - công nghiệp nặng từ các nước phát triển sang ASEAN và Việt Nam đang tạo ra dư địa rất lớn cho các ngành này. THACO Industries được nhiều đối tác đánh giá là đáp ứng điều kiện để cung cấp sản phẩm với quy mô lớn, chất lượng tốt. Ông Nhung cho rằng thị trường toàn cầu luôn thay đổi, DN phải đầu tư mạnh về công nghệ, đổi mới sáng tạo để thích ứng. Năng lực cạnh tranh là yêu cầu tiên quyết khi ra thị trường toàn cầu. Để có thể cạnh tranh được thì phải nâng cao năng lực sản xuất, trong đó việc đầu tư công nghệ lõi, áp dụng dây chuyền tự động sẽ đem lại lợi thế lớn. Phía THACO Industries đang khảo sát thị trường để đầu tư vào Bình Dương, đáp ứng nhu cầu các DN sản xuất tại địa phương.

Không chỉ đối với DN sản xuất, đối với những DN lớn như Becamex IDC việc dòng vốn FDI đầu tư vào Bình Dương cũng đem đến những cơ hội và thách thức mới. Theo TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Becamex IDC, trong giai đoạn hiện nay, Becamex IDC xác định việc nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung là một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển. Becamex IDC cũng nỗ lực hỗ trợ DN thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao phương thức điều hành, dựa trên nền tảng công nghệ. Các yếu tố này được kỳ vọng sẽ tác động đến mô hình, định hướng phát triển của DN.

 Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương: Các DN Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI buộc phải chuyển qua sản xuất an toàn, sản xuất bền vững. Chuyển hướng sang kinh tế xanh, DN sẽ vượt qua được sức ép từ thị trường xuất nhập khẩu và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh cũng giúp cho sản phẩm của DN chuyển lên phân khúc giá cao hơn và không bị tụt lại trong tham gia vào sân chơi chung toàn cầu.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=407
Quay lên trên