Doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức

Cập nhật: 13-01-2023 | 08:50:37

Các doanh nghiệp (DN) dự báo khi hầu bao thắt chặt trong giai đoạn ngắn hạn thì yếu tố hấp dẫn về lâu dài của thị trường tiêu dùng nội địa vẫn luôn hiển hiện. Chính điều này được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như nắm bắt chiến lược số, trong điều kiện thị trường xuất khẩu năm 2023 còn nhiều thách thức.

 Ngay từ đầu năm 2023, Công ty Nghệ Năng đã đầu tư công nghệ mới, bảo đảm nhu cầu sản xuất, kinh doanh

 Giữ thị trường nội địa

Các DN đã bước vào mùa sản xuất của năm mới 2023. Khác với năm trước, chỉ tiêu kinh doanh được chia thành từng chặng nhỏ theo các quý và kế hoạch cả năm sẽ được điều chỉnh lại tùy thuộc kết quả theo từng quý, đặc biệt là 2 quý đầu năm. Bên cạnh đó, những biến động về cung cầu, giá nguyên vật liệu, khiến rất nhiều DN chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn, đồng thời kiểm soát chặt chi phí hoạt động.

Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tây Group (TX.Tân Uyên), cho biết các DN phải xem lại ngân sách, bao gồm năng suất lao động, kiểm soát chi phí, kiểm soát giá thành, đó là vấn đề phải đặt lên hàng đầu. Kế tiếp là phải quan sát biến động thị trường để có những ứng phó kịp thời.

“Hiện nay thị trường trong nước đã có nhiều thay đổi. Các loại vật liệu hiện đại được nhiều người lựa chọn, nhất làtrong thiết kếnội thất. Các nhà máy, xưởng sản xuất và công ty thiết kế đang phối hợp với nhau để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp với vật liệu có nguồn gốc từ gỗ. Gỗcông nghiệp, gỗép đang ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn vìgiáthành rẻ, mẫu mãthiết kếhiện đại, thời trang, mang lại sựsang trọng, tao nhãcho nội thất căn hộ, cũng như văn phòng. Đây là hướng đi giúp công ty vượt qua tình hình khó khăn sau dịch bệnh, đồng thời việc hỗ trợ giúp công ty có thêm điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhân công”, bà Bình chia sẻ.

Trong khi xuất khẩu đối diện nhiều thách thức trong năm 2023 thì yếu tố hấp dẫn của thị trường tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước. Điều quan trọng là các DN Việt cần duy trì tính cạnh tranh trên “sân nhà”. Theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng (TP.Thuận An), ngay thời điểm này các DN không còn cách nào là phải nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm bằng cách đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất. Người Việt chỉ ưu tiên dùng sản phẩm Việt khi chất lượng vượt trội, giá cả ngang bằng với hàng ngoại nhập.

“Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN càng không thể “đứng ngoài lề” trước máy móc, thiết bị, công nghệ mới. Lựa chọn máy móc, thiết bị hiện đại giúp mang lại giá trị gia tăng, giảm chi phí vận hành cũng như tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Dù nhiều khó khăn song ngay từ đầu năm 2023 Công ty Nghệ Năng cũng đầu tư công nghệ mới, bảo đảm nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động và sản phẩm đáp ứng nhanh, kịp thời, chất lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất gia công”, ông Lưu Trí khẳng định.

Bên cạnh việc khai thác thị trường nội địa, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ hay châu Âu gặp khó, theo các DN, việc thị trường Trung Quốc với sức cầu lớn, mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Nắm bắt chiến lược số

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng một cách mạnh mẽ, cơ chế thực thi rất quan trọng. Do đó chính sách tạo động lực thực thi cho bộ máy các cấp là một yếu tố rất quan trọng. Từ khóa cho năm 2023 là nâng cao chất lượng thực thi.

Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định năm 2023, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực. Tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong đó chú trọng các ngành còn dư địa cho tăng trưởng như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản, dịch vụ du lịch, đầu tư...

Theo các DN, tại thị trường nội địa cũng cần để ý thêm về xu hướng mua hàng trực tuyến (online) gia tăng, thúc đẩy nhu cầu nhà xưởng hay trung tâm phân phối. Doanh thu hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng cao. Người tiêu dùng Việt Nam đã thể hiện rằng họ rất sẵn sàng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo số liệu khảo sát, hiện nay có gần 60% người dân Việt Nam cân nhắc mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi của nó. Điều quan trọng không kém là các DN trong nước đã thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới này bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số các quy trình và thậm chí cả mô hình sản xuất, kinh doanh. Các công ty cũng dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Bà Nguyễn Thới Hòa Bình cho rằng, một trong những lợi ích chính của chiến lược số đối với các DN Việt là khả năng tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Điều này tạo cơ hội cho các công ty kết nối với người tiêu dùng và tương tác với họ theo những cách mới và sáng tạo. Với chiến lược số, DN có thể thu thập thông tin giá trị, bao gồm cả sở thích, hành vi và thói quen mua sắm về khách hàng của mình. Sau đó, DN có thể dùng dữ liệu này để cải thiện sản phẩm và dịch vụ. Chiến lược số còn giúp các công ty vận hành trôi chảy, quản lý tốt chuỗi cung ứng và giảm chi phí.

 TIỂU MY - CẨM TÚ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên