Liên tiếp trong những tuần qua, các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương gặp không ít khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt do cúp điện 1 - 2 ngày/tuần. Trải qua nỗi khổ cúp điện như hiện nay nhiều DN đã khắc phục khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Cứ 1- 2 ngày cúp điện đều đặn trong mỗi tuần, hơn 250 cán bộ, công nhân lao động (CB-CNLĐ) Công ty Cổ phần (CTCP) Thép Nam Kim (Cụm sản xuất An Thạnh, TX.Thuận An) phải nghỉ việc. Cúp điện liên tục, DN khốn đốn vì công việc ngưng trệ, bị trễ thời gian giao hàng so với hợp đồng ký kết đã gây thiệt hại đáng kể... Tiếp chúng tôi, Tổng Giám đốc CTCP Thép Nam Kim Hồ Minh Quang mang những thông báo tạm ngưng cung cấp điện do Điện lực Bình Dương chi nhánh Thuận An gửi đến cho chúng tôi xem. Theo thông báo hiện nay hệ thống lưới điện quốc gia thiếu nguồn trầm trọng. Để bảo đảm tình hình vận hành lưới điện an toàn, Điện lực Bình Dương sẽ tiến hành cắt tiết giảm điện mỗi tuần 1 - 2 ngày. Như vậy theo lịch cúp điện thì trong 1 tháng CTCP thép Nam Kim phải bị cắt điện 4 - 8 ngày. Tổng Giám đốc CTCP Thép Nam Kim Hồ Minh Quang khá bức xúc: “CTCP Thép Nam Kim là đơn vị sản xuất các loại tôn mạ màu, mạ kẽm và kinh doanh sắt thép. Đặc tính quan trọng của dây chuyền sản xuất là liên tục. Từ giữa tháng 2-2011 đến nay, CT có nhận được thông báo cúp điện của Điện lực Bình Dương sẽ cúp điện vào 1 - 2 ngày/tuần.
Công ty Cổ phần Thép Kim Nam đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượngViệc cúp điện như vậy gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của CT, đó là: Mỗi ngày cúp điện xong dây chuyền sản xuất phải khởi động và đốt lò trở lại, việc này làm tiêu hao rất nhiều chi phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất CT đã mua bằng vốn vay của ngân hàng nên việc ngưng sản xuất trong thời gian dài sẽ không có thành phẩm để bán đồng nghĩa với việc nguyên nhiên liệu tồn kho mà CT phải trả lãi vay ngân hàng. Những ngày cúp điện ngưng sản xuất nhưng CT vẫn phải trả lương cho hơn 250 công nhân và các chi phí khác, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Tất cả các đơn hàng CT đã ký cam kết với khách hàng, nếu giao hàng chậm CT phải trả tiền phạt vi phạm hợp đồng. Những chi phí phát sinh như trên làm cho giá thành thành phẩm của CT tăng lên nên rất khó khăn cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm không bán được đẩy CT vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và duy trì khách hàng. Tính ra thiệt hại mỗi ngày cúp điện CT phải gánh chịu hàng trăm triệu đồng để trả lương cho công nhân, nguyên liệu bị hư hỏng và tiền bồi thường thiệt hại cho khách hàng”.
Bà Vũ Nga, Giám đốc CT May TNHH Hòa Hiệp ở phường Bình An, TX.Dĩ An phản ánh: Mỗi tuần cúp điện 2 ngày, đồng nghĩa với mỗi tuần CT phải mất 16 giờ làm việc của CB-CNLĐ. Bà Nga nhẩm tính: Với ngành may hiện đang khó khăn về lao động, cúp điện 2 ngày/tuần thì không bảo đảm nguồn thu nhập để lao động ổn định cuộc sống và thu hút lao động. Mặc dù đầu năm 2011, DN nâng lương tối thiểu vùng cho loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước nhưng bắt đầu từ giữa tháng 2-2011 điện liên tục cúp, kế đến đầu tháng 3-2011, điện và xăng cùng tăng giá; CT tăng ca, tăng lương để bù cho CNLĐ có thu nhập nhưng họ vẫn không được hưởng bởi giá cả thị trường hiện đang tăng cao. Nếu trong ngày cúp điện, CT chạy máy phát điện để tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) thì không ổn bởi chi phí cho mỗi ngày cúp điện phải chạy máy phát điện tăng lên hàng chục triệu đồng, trong khi sản phẩm đưa đi xuất khẩu giá vẫn ổn định. “Hiện nay, DN rất lúng túng trong việc bố trí lịch sản xuất để bảo đảm cuộc sống NLĐ. Mong ngành điện lực có những giải pháp tốt để ưu tiên cung ứng điện cho DN ổn định sản xuất”, bà Nga mong mỏi.
Trước những dự báo khó khăn về tình hình cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong năm nay, để kịp đơn hàng cũng như tạo nguồn thu nhập ổn định cho NLĐ, nhiều DN đã tìm ra giải pháp để “thích ứng” với cúp điện như hiện nay. Trước những dự báo khó khăn về tình hình cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong năm nay, để kịp đơn hàng cũng như tạo nguồn thu nhập ổn định cho NLĐ, nhiều DN đã tìm ra giải pháp để “thích ứng” với cúp điện như hiện nay. Tại CT May TNHH Hòa Hiệp, bà Vũ Nga, Giám đốc CT cho biết: Cắt điện vào 2 ngày cố định trong tuần, DN buộc phải tính cách ứng phó kịp thời. Để bảo đảm sản xuất, CT huy động anh em công nhân làm tăng ca mỗi ngày 2- 3 tiếng và cả ngày nghỉ chủ nhật. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ tạm thời chứ chưa phải là giải pháp căn cơ bởi vì vào ngày nghỉ, một số chị em có con nhỏ gặp không ít khó khăn khi gửi con trẻ. Hơn nữa, mỗi ngày làm thêm 2 giờ, kể cả ngày chủ nhật để bù vào 2 ngày nghỉ thì công nhân không còn thời gian tăng ca để có thêm nguồn thu nhập. Dù vậy, CT vẫn động viên công nhân tăng ca sản xuất, trước ngày dự báo cúp điện sẽ làm bù vào đêm, nghỉ ngơi vào ngày cúp điện, rồi lại tiếp tục làm gối đầu buổi tối và ngày nghỉ.
CTCP Thép Nam Kim Hồ Minh Quang, cho biết: “Tôi lo ngại về hiện tượng tăng giá dây chuyền. Khi đầu tháng 3 liên tục bị cúp điện rồi xăng, điện tăng giá không chỉ DN gặp nhiều thách thức mà đời sống NLĐ và người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, CT tìm mọi giải pháp tiết kiệm, tăng năng suất lao động, kêu gọi CB-CNV, cùng phấn đấu và đoàn kết vượt qua thử thách. Phát huy sự đoàn kết, năng động của toàn thể CB-CNLĐ trong năm qua, CB-CNLĐ đã đăng ký phong trào phát huy sáng kiến, cải thiện điều kiện làm việc, tiết kiệm nguyên liệu... CT đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như yêu cầu CB-CNV tắt điện khi ra khỏi phòng làm việc; đồng thời sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý hơn. Phòng Kế hoạch bố trí lịch làm việc cân đối dây chuyền, nhằm tăng hiệu suất sử dụng máy để tiết kiệm điện năng hiệu quả nhất. CT tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thép mới (thứ 2) tại KCN Đồng An II. Nhà máy mới CTCP Thép Nam Kim có quy mô hàng đầu trong ngành tôn, thép Việt Nam; được xây dựng trên diện tích 67.000m2, lắp đặt 5 dây chuyền và toàn bộ các thiết bị đều nhập khẩu từ các nước tiên tiến trên thế giới với tổng giá trị đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Khi đưa vào sản xuất, nhà máy sẽ góp phần nâng sản lượng của CTCP Thép Nam Kim lên 400.000 tấn/năm và đầu tư công nghệ sản xuất để tiết kiệm năng lượng.
VĂN SƠN