Doanh nghiệp vượt khó, phát triển sản xuất

Cập nhật: 18-08-2022 | 08:29:54

Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động, kinh tế đối diện với những khó khăn, thách thức mới, các doanh nghiệp (DN) chắt chiu từng cơ hội, chủ động thích ứng, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới trong sản xuất và phát triển.

 Lãnh đạo các DN trong tỉnh tham dự một phiên thảo luận giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong bối cảnh hiện nay

 Chủ động vượt khó

Trong tháng 7 năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục có đà tăng trưởng ổn định khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện các DN đã bắt đầu đối diện với khó khăn thách thức trước những biến động của thị trường.

Theo các DN, hiện nay rủi ro về lạm phát và lãi suất sẽ đẩy chi phí đầu vào lên cao. Mỹ và EU là hai thị trường tiêu thụ rất lớn của Việt Nam, nếu hai thị trường này đi vào suy thoái thì nó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của DN, không chỉ trong phạm vi các ngành xuất khẩu. Trước tình hình chung này, các DN ngành gỗ chủ động sắp xếp sản xuất, tăng cường chuyển đổi số để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động. Ông Cao Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interios, cho biết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, rủi ro môi trường kinh doanh, các DN cần củng cố lại văn hóa và nền tảng quản trị kinh doanh. Chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại, đầu tư thế hệ mới, gắn với các mô hình chuyển đổi số, qua đó tham gia sâu hơn và đạt giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cùng quan điểm tận dụng từng cơ hội để vượt qua thách thức, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho rằng các DN ngành gốm sứ tăng cường thảo luận với các khách hàng truyền thống để giữ các đơn hàng; đồng thời tăng tốc hoạt động đầu tư nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giữ được giá thành trong bối cảnh vật giá, chi phí leo thang. “Hiện chúng tôi đang tính toán đơn hàng cho quý IV-2022 và năm 2023 nhằm bảo đảm đơn hàng, giữ vững sản xuất, chắt chiu cơ hội, vượt qua khó khăn chung”, ông Vương Siêu Tín cho biết thêm.

Tận dụng triệt để cơ hội

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong khó khăn chung, Bình Dương bám sát tình hình, chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Bình Dương cũng chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ DN thích ứng với các biến động trong tương lai.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, kinh tế Bình Dương có những điểm sáng rất tích cực, đặc biệt là thu hút đầu tư tăng mạnh. Trong 7 tháng của năm nay, Bình Dương đã thu hút được hơn 2,54 tỷ đô la Mỹ, tăng 74% so với cùng kỳ. Đây được cho là một tín hiệu khả quan để kinh tế Bình Dương có sự phát triển ổn định trong thời gian tới và cũng là cơ hội để các DN vươn lên.

“ Nguồn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương tăng cao đã và đang mở ra cơ hội cho các DN trong nước khi tham gia vào những mắt xích cung ứng, phát triển lĩnh vực nguyên vật liệu, các công đoạn gia công, cung ứng máy móc; đồng thời DN cũng có thể học hỏi các phương thức quản lý, công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận ra thách thức song hành, nếu không sẽ tự tụt hậu và ra khỏi hệ thống sản xuất nói chung”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương nói về cơ hội và thách thức trong thời gian sắp tới .

Trong bối cảnh nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao, ngành công thương cho biết sẽ hỗ trợ DN nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế để có những dự báo về thị trường cả trong và ngoài nước, sớm có bước điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro tốt hơn. Các DN, hiệp hội ngành hàng khẳng định sẽ tăng cường việc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tư vấn và chuyên gia kinh tế để có những đánh giá về các phản ứng chính sách liên quan đến một loạt các vấn đề kinh tế vĩ mô hoặc theo ngành, lĩnh vực. Từ đó có hiểu biết hơn các kênh hỗ trợ của Chính phủ, nhất là tình hình triển khai các gói phục hồi kinh tế thời gian tới, tận dụng tốt hơn các hỗ trợ này nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên