Tập trung chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, THPT, thời gian qua, Đội Công tác xã hội Kết nối (CTXHKN), trường Đại học Thủ Dầu Một đã tích cực tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống; góp phần nhân lên những hành động đẹp vì cộng đồng.
Thành viên của Đội CTXHKN tới thăm và trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại làng bè, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: T.THƯƠNG
Người nữ thủ lĩnh năng động
Vóc người nhỏ nhắn nhưng luôn thu hút mọi ánh nhìn bởi sự linh hoạt, năng nổ, cô gái Trần Thị Mỹ Phượng được mọi người ví như cánh chim đầu đàn, dìu dắt Đội CTXHKN vượt qua bao khó khăn, mang yêu thương đến với trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Bằng vốn kiến thức có được từ 4 năm học ngành CTXH cùng với kinh nghiệm sau nhiều lần tham gia các hoạt động tình nguyện, đầu tháng 9-2013, chị Phượng đã mạnh dạn thành lập Đội CTXHKN, trực thuộc Trung tâm Phát triển CTXH Đại học Thủ Dầu Một. Với vai trò là đội trưởng, chị Phượng luôn hết mình trong các chiến dịch, các chương trình tình nguyện. Để có được những chương trình ý nghĩa như: “Xuân yêu thương”, “Xuân ấm áp” hay “Đêm hội trăng rằm”, “Trung thu yêu thương”, “Tết đoàn viên”…, chị Phượng cùng với các thành viên đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động thu gom quần áo, dụng cụ học tập, đồ chơi, sách vở…; kêu gọi nhà hảo tâm và nhiều tấm lòng nhân ái cùng chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính trong năm 2015, đội đã giúp đỡ được gần 500 hoàn cảnh khó khăn, tặng hơn 1.500 tập vở học sinh và hàng trăm phần quà cho những gia đình khó khăn, trẻ em khuyết tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ… Bên cạnh đó, đội còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như trung thu cho trẻ em nghèo; tặng quà cho gia đình khó khăn; làm đường giao thông; vệ sinh môi trường...
Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Chị Phượng cho biết, việc đặt tên là Đội CTXHKN bởi đa số thành viên của đội là sinh viên ngành CTXH và cùng có chung một mong muốn góp một phần nhỏ bé để có thể giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, sẻ chia cùng những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tham gia vào đội cũng là cách để các bạn trẻ phát triển nhân cách, rèn kỹ năng sống, rèn tính kiên nhẫn, tạo sự đồng cảm, biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Với mục tiêu đúng đắn, phương châm hành động và điều kiện tham gia đơn giản nên chỉ sau 2 năm thành lập, ngoài 20 thành viên nòng cốt, đội đã nâng số tình nguyện viên lên 800 người. Do các thành viên đa số là sinh viên, nhiệm vụ chính là học tập nên việc trao đổi thông tin chủ yếu qua mạng xã hội. Mục tiêu cùng nhau trao đổi về các chương trình sự kiện, thông tin đối tượng cần giúp đỡ, bàn bạc và cùng thống nhất cách làm để có được hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Không chạy theo hình thức hay thành tích, không quản ngại khó khăn, Đội CTXHKN đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện ở rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, đội tổ chức hoạt động tình nguyện ở Đăk Nông, Ninh Thuận, Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Và mới đầu tháng 6 vừa qua, trong “Hành trình kết nối Ver.3” tại làng bè, huyện Dầu Tiếng, các thành viên của đội đã tham gia bán vé số, móc chìa khóa, quà lưu niệm... để có được những phần quà ý nghĩa dành tặng cho người dân nơi đây. Với số tiền thu được, đội đã trao 38 suất quà gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, đường, bột ngọt cho 38 gia đình khó khăn; trao 200 tập vở cho các em học sinh tại làng bè.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đội CTXHKN đang dự định mở rộng quy mô, khảo sát địa bàn nhằm tổ chức nhiều hơn các chương trình hành động gắn với các mô hình hoạt động tương tác, như “Người thủ lĩnh tài ba”, “Chỉ huy gương mẫu”… nhằm lựa chọn ra các thành viên nòng cốt là người có uy tín, tầm nhìn và hết lòng vì cộng đồng, vì sự phát triển của đội; đồng thời tạo sự tương tác mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong các chương trình.
TRẦN THƯƠNG