Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 1-2023 cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng. Cụ thể, tháng 1-2023 cho thấy Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12-2022. Khảo sát tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, chúng tôi có được xác nhận một lần nữa cho vấn đề này. Tuy mọi thứ chỉ mới bắt đầu song đã mở ra những kỳ vọng lớn cho sự hồi phục và phát triển.
Với ngành da giày, so với cùng kỳ, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn so với cuối năm 2022. Điều đó cho thấy đã có những dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng đã giúp công nhân có việc làm, nhà máy sáng đèn theo nhịp sản xuất. Đối với ngành dệt may, đơn hàng đã trở lại nhiều hơn song đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh; chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế đang là thách thức đối với DN.
DN cũng nỗ lực hết sức để đáp ứng được những yêu cầu được đưa ra để ổn định sản xuất, giữ thị trường trong năm 2023. Bản thân các DN cần bắt kịp xu thế thị trường bằng nhiều giải pháp. Chẳng hạn chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, tái chế để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng. Đồng thời, cần tìm cách đa dạng hóa thị trường, ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may. Niềm tin kinh doanh đã cải thiện với hy vọng nhu cầu sẽ mạnh lên trong năm, từ đó thúc đẩy tăng sản lượng.
KHẢI ANH