Đồng bằng Sông Cửu Long: Nỗ lực phòng chống ngập úng

Cập nhật: 16-09-2012 | 00:00:00

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Hàng ngàn hecta lúa đã bị ngập úng, nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Mưa to kèm theo gió lốc làm tốc mái và sập nhiều nhà dân. Tình trạng sạt lở đang diễn ra tại nhiều đoạn trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao.

Thiệt hại nặng

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau, sau nhiều ngày mưa dầm, sáng qua trên địa bàn thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn đã xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy khiến 72 căn nhà bị hư hại, nhiều căn bị sập hoàn toàn. Cột ăng ten của đài truyền thanh huyện Năm Căn bị lốc quật ngã, khiến hoạt động của đài bị tê liệt hoàn toàn. Ước tính ban đầu, thiệt hại trên địa bàn huyện là không dưới 600 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.

  Lốc xoáy làm hư hại nhiều tài sản tại Đài Truyền thanh huyện Năm Căn.Đến sáng 15-9, người dân địa phương vẫn đang ra sức khắc phục hậu của lốc xoáy. Địa phương cũng đã tiến hành nhiều đợt thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mưa kéo dài liên tục trong mấy ngày qua cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tình hình sản xuất lúa vụ ba ở một số địa phương trong vùng, đe dọa giảm năng suất và chất lượng lúa thu hoạch.

Mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua đã khiến nhiều hecta lúa vụ ba của bà con ở Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập trong nước. Tại Hậu Giang, mưa lớn kéo dài 3-4 ngày nay kết hợp triều cường dâng cao đã làm cho diện tích lúa thu đông bị ảnh hưởng, lúa gần thu hoạch thì bị đổ ngã, lúa ở giai đoạn mạ thì chết trắng, đặc biệt là tại huyện Long Mỹ vì lúa thu đông ở đây sạ khá trễ.

Theo khảo sát sơ bộ ở ba xã của huyện Long Mỹ là Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Lương Tâm, đã có hơn 500 hecta lúa thu đông bị ngập và hơn 150 ha chết trắng, bà con đã gieo sạ lại lần hai nhưng hiện lúa cũng đang bị ngập sâu.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là huyện Châu Thành. Hàng chục ha lúa đông xuân sớm đã xuống giống tại vùng đất trũng ấp Chông Nô đã bị chìm trong nước và đối mặt với nguy cơ mất trắng. Hiện tại, ngoài nỗ lực bơm nước cứu lúa, bà con không biết làm gì hơn.

Ở những địa phương làm ba vụ lúa/năm, bà con đang tranh thủ gieo sạ lúa đông xuân sớm. Mưa lớn liên tiếp đang cảnh báo nguy cơ ngập úng gây chết lúa cục bộ đối với những vùng đất thấp, khó chủ động tiêu úng. Mưa lớn cũng làm đổ ngã nhiều diện tích lúa ở huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là ở hai xã Tân Hòa Tây và Phước Lập. Đã có gần 700 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ và ngập úng. Lãnh đạo địa phương đã vận động bà còn khẩn trương bơm tháo chống úng và tập trung thu hoạch tránh ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa.

Chìm hai tàu cá

Thông tin từ Đồn Biên phòng Khánh Hội (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau) sáng 15-9 cho biết, đơn vị này tiếp tục phối hợp với ngư dân địa phương trục vớt hai tàu cá gặp nạn trên biển.

Trước đó (ngày 14-9), tàu cá của ngư dân Lê Văn Lam (Kiên Giang) chở theo 7 ngư phủ vận chuyển nước đá đến gần cửa biển Kinh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) thì bất ngờ bị chìm. Thấy tàu quen gặp nạn, 15 thuyền viên, ngư phủ tàu cá của ông Huỳnh Tấn Lộc (Kiêng Giang) gần đó điều khiển tàu đến cứu giúp nhưng tiếp tục bị sóng và gió lớn nhấn chìm. Ngay khi hay tin, Đồn Biên phòng 696 Khánh Hội cử lực lượng và điều động hai tàu cá loại lớn tổ chức cứu hộ. Đến chiều cùng ngày, toàn bộ ngư dân gặp nạn được trục vớt và bàn giao đoàn tụ cùng gia đình.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau ba ngày gần đây có mưa lớn, gió mạnh (giật trên cấp 8), biển động. Phía trong đất liền, phần lớn các huyện ven biển có mưa lớn, gió mạnh xuất hiện liên tục, có nơi có giông lốc. Thời tiết xấu trên biển và đất liền còn diễn biến phúc tạp, nhân dân cần chủ động đề phòng nhằm giảm thiệt hại thấp nhất về người, tài sản. 

Quảng Bình: Lạnh bất thường đầu thu, lũ vượt báo động 2

Ngày 15-9, tại nhiều địa phương tỉnh Quảng Bình, lần đầu tiên trong tháng 9, giá lạnh  bất thường gây nhiều khó khăn cho người dân và gia súc, gia cầm. Ghi nhận nhiệt độ xuống trung bình dưới 25°C, vùng rẻo cao nhiệt độ xuống dưới 17°C, dân ra đường phải mặc áo rét. Chưa bao giờ trong tháng 9, Quảng Bình hứng giá lạnh như mùa thu năm nay nên một số nơi ở vùng cao người dân rất khó khăn trong việc chăm sóc gia súc, gia cầm.

Trong khi đó, tại một số huyện như Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa mưa tiếp tục nặng hạt khiến lũ cục bộ xuất hiện chia cắt nhiều vùng. Lũ đã vượt báo động 2 trên sông Kiến Giang, sông Long Đại và thượng nguồn sông Gianh. Tại huyện Lệ Thủy, tỉnh lộ 16 hoàn toàn bị ách tắc nhiều đoạn ở bản Ban, ngầm Bang, Vít Thù Lù.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng đã ứng cứu thành công tàu đánh cá QB 3846 TS do ông Nguyễn Văn Tài ở Diên Phúc, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch làm thuyền trưởng bị chết máy khi vào cách cửa sông Gianh 20 hải lý về phía Đông với 5 ngư dân. Nhận được tin ứng cứu, bộ đội biên phòng đã cử cán bộ chiến sĩ ứng cứu và chiều 15-9 đã đưa tàu vào bờ cách cửa sông Gianh 4 hải lý.

Trong khi đó, một tàu đánh cá khác của ông Hồ Văn Thắng, số hiệu QB 92585TS quê xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đang đánh bắt trên biển bị chết máy nhưng không liên lạc được, trên tàu có 6 ngư dân. Hiện bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cử Hải đội 2 ra ứng cứu ở vị trí cách cửa sông Gianh 40 hải lý, khu vực tàu đánh cá trên liên lạc lần cuối.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=411
Quay lên trên