Hóa đất hoang thành nơi màu mỡ

Cập nhật: 15-09-2012 | 00:00:00

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Nguyễn Văn Nhứt (khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) vẫn ngày ngày cùng vợ cặm cụi vun đắp, cày xới, biến mảnh đất hoang gần 30.000m2 thành một mảnh đất màu mỡ. Năm 2012, ông Nhứt vinh dự được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (NDSXKDG) 2009-2011. Dù lo làm kinh tế nhưng trong tâm niệm của hai vợ chồng ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm dạy con, cháu luôn biết sống hiếu thuận và thương yêu nhau....  Vùng đất hoang khoảng 30.000 m2 được cả hai vợ chồng ông Nhứt cùng nhau gầy dựng, phát triển kinh tế gia đình

Làm giàu trên mảnh đất hoang

Qua nhiều lần hẹn mà chưa có lần gặp bởi ông Nhứt hoặc bận bịu với cánh đồng hoặc tất tả đi bỏ mối, giao hàng ở chợ, cho tới cách đây vài ngày, tôi mới tranh thủ được khoảng thời gian nghỉ trưa để có dịp trò chuyện cùng vợ chồng ông.

Đứng trước ngôi nhà rộng rãi nằm hướng mặt về phía đường ĐT743, khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, tôi không khỏi ngạc nhiên khi trước mắt là một ngôi nhà khang trang, rộng rãi, phía mặt tiền có vài ki-ốt gia đình ông cất riêng cho mướn. Ông Nhứt dẫn tôi một vòng quanh căn nhà, bài trí đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi, mát mẻ, đông vui bởi có con cháu quây quần. Ông Nhứt “vận” trên mình bộ quần áo đơn giản màu xanh lá đã hơi ngả màu, ống quần vừa lội từ dưới ruộng lên vẫn còn đẫm nước. Chưa đầy 10 phút rảo qua nhà, ông Nhứt vội giục tôi ra thăm “cơ ngơi” thực thụ của ông, cánh đồng màu cách nhà chừng 3km... Cưỡi trên mình con ngựa sắt cà tàng, ông thành thục lách tay lái vượt qua quãng đường ngoằn ngoèo dẫn vào cánh đồng. Do tôi chưa quen “địa hình” nên phải giữ rất chắc tay lái để không bị đường trơn trượt ngã. Ông Nhứt thi thoảng đi qua “cung đường” trắc trở lại ngoái đầu lại dặn tôi: “Cài số một mà đi nhé!”. Giọng nói sang sảng, hài hước và nhiệt tình là những tính cách vừa gặp đã có thể cảm nhận được từ người nông dân này.

Tới... túp lều mà hai vợ chồng ông “sinh sống” để trông coi ruộng màu, tôi thắc mắc hỏi ông vì sao có nhà cửa khang trang, con cháu đề huề, thu nhập ổn định mà hai ông bà vẫn còn cặm cụi làm nông chi cho cực, ông Nhứt và bà Bé đều cùng nhau nói: “Không làm buồn lắm, mà chúng tôi không muốn phụ thuộc con cái”.

Năm nay, ông Nguyễn Văn Nhứt đã 67 tuổi, bà Nguyễn Thị Bé 61 tuổi nhưng trông cả hai đều có thước vóc to khỏe vượt độ tuổi mình. Trò chuyện cùng gương NDSXKDG này, ông cho biết, có được cơ ngơi của ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu rất lâu. Trước đây, cha ông mất đi để lại cho ông gần 1.000m2 cùng những kinh nghiệm làm nông quý báu. Khi lập gia đình, kinh tế khó khăn, ông vừa làm nông vừa chạy xe thuê, còn bà đi làm hạt điều nhưng thời gian eo hẹp nên lại bỏ. “Mình làm nông khỏe lắm cô ơi, thích thì làm, mệt thì nghỉ, chẳng bị ai la rầy cả”, bà Bé tâm sự. Dần dà, khi thấy vợ chồng ông chí thú làm ăn, bạn bè xung quanh đã cho ông mượn đất hoang canh tác, biến một vùng đất trống thành vườn rau màu hiệu quả. Hiện tại, với gần 30.000m2 đất, hai vợ chồng ông trồng xen kẽ các loại cây như: cà tím, môn, khổ qua, đậu bắp, bí và trồng lúa (1/3 diện tích) để cải tạo đất, ngăn ngừa sâu bệnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng trọt, ông Nhứt nói rất rạch ròi về những ưu điểm và hạn chế của vùng đất nơi ông canh tác, ông hiểu nó như những “đứa con” của mình. Vì thế, khi nào cần nước, cần phân bón và cần phun thuốc ngừa sâu bệnh, ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Vùng đất của ông là đất dốc, chia đám nhỏ hình bậc thang, máy cày, bừa không vào được nên rất tốn công. Trước đây, kinh nghiệm mà cha ông để lại là những tập quán canh tác lâu đời của người nông dân, thường dựa vào yếu tố thiên thời, địa lợi để mong mùa màng tươi tốt, thu hoạch trọn vẹn. “Trước, làm nông không có máy móc gì, hàng mang đi bán phải gánh từ dưới ruộng lên, không có hệ thống nước, nhiều hôm làm mà muốn lột da tay, cực khổ vậy mình đang còn làm được. Giờ làm đường ống, cần nước thì rút vô, đầu tư mua máy phun thuốc, máy cắt cỏ để cắt cà, đậu bắp... khỏe hơn rất nhiều” - lão nông Nhứt nói. 

Vài năm trước, ông sử dụng giống cũ nên cây thường chết, năng suất thấp, đất bạc màu... Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân phường, ông thay đổi giống mới, kỹ thuật canh tác cũng thay đổi. Thông thường, một vụ màu của ông sẽ bắt đầu sớm hơn các hộ khác chừng một tháng. Trồng xen kẽ các loại cây, thu hoạch cũng so le nhau. Để đất màu mỡ, ông sử dụng phân gà, tro, xác vỏ đậu, diêm đen ủ trong vòng một tháng cho cũ phân rồi mới trộn vào đất, bỏ phân càng nhiều thì cây ra trái càng lâu. Gần 3 mẫu đất trồng đều được phủ bạt để cân bằng độ ẩm cho đất. Trước đây, thương lái thường vào tận ruộng thu mua, nhưng do thường xuyên bị ép giá xuống quá thấp, ông bà tự lái xe chở tới chợ hàng bông (Phú Hòa) bỏ mối. Do trồng xen kẽ, trái cho thu đều đặn, trung bình từ 70 - 100kg/ngày. Trồng lúa tuy không mang lại năng suất cao nhưng lại không thể bỏ vì đó là “bí quyết” để ngừa sâu bệnh của ông. Trong năm, đợt trồng sắn cho thu vào tháng giêng cũng cho ông thu lời trên 80 triệu đồng/vụ. Với một vụ cà tím trồng 5 tháng thu hoạch khoảng 40 triệu đồng. Vậy mà khi hỏi về nguồn thu nhập hàng năm, ông Nhứt chỉ khiêm tốn nói khoảng 100 triệu đồng/năm.

“Có đức mặc sức mà ăn”

Vợ chồng ông có 9 người con nhưng không ai theo nghề nông. Theo quan niệm của cả hai ông bà, con cái có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp. 6 người con lớn của ông đã lập gia đình, ổn định công việc, còn 3 người con sau cũng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Trong suốt cuộc trò chuyện, hai ông bà không một lần than van về con cái, những gì ông bà nói, ông bà mong muốn đều được gửi gắm trong từng lời nói. “Người ta thương vợ chồng tôi, cho chúng tôi mướn đất làm ăn nên cũng phải nhớ ơn chứ, cây trái làm được cũng chia cho bà con làng xóm. Ông bà ta nói, “có đức mặc sức mà ăn” mà, cha mẹ tích đức thì con cái mới được hưởng phước chứ!”.

Con cái đông đúc, mỗi dịp lễ, tết lại có dịp quây quần đầy đủ. Điều mà bà Bé vui nhất vẫn là sự hòa thuận giữa các con dâu, rể trong nhà: “Tui dạy chúng nó biết thương yêu nhau, đừng nghĩ nó là dâu là rể mà nạt nộ, làm khó. Đã là chị em trong nhà, mình thương người ta, người ta cũng thương lại mình thôi”. Ông Nhứt “minh họa” lời bà Bé bằng câu chuyện của cô con gái út và chị dâu cả, vẫn thường thì thầm to nhỏ, quấn quýt nhau như đôi bạn thâm tình.

Vào mỗi dịp thu hoạch, chăm bón bận bịu, các con ông tuy không thành thục nghề nông nhưng vẫn ra đồng phụ giúp cha mẹ. Hỏi khi nào hai vợ chồng ông “về hưu”, hai ông bà chỉ nhìn nhau cười, nói: “Khi nào bệnh, hết khỏe thì nghỉ làm, còn bây giờ vác một bao 50kg, tôi vẫn còn làm được”.

Có lẽ nhờ chăm chỉ làm lụng, tinh thần sản xuất luôn thoải mái nên hai vợ chồng ông cũng không ốm đau gì. Với hai ông bà, tuy điều kiện kinh tế đã ổn định, con cái cũng lớn và dần trưởng thành nhưng việc sống tự lập, không phụ thuộc vào con cái là điều khiến hai ông bà vui vẻ nhất. Chốt lại câu chuyện về cặp vợ chồng già cần mẫn cải tạo đất hoang, ông Nhứt cười mà nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”...

Thanh Lê

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=486
Quay lên trên