Chia nhau con chữ Việt – Lào

Cập nhật: 12-09-2012 | 00:00:00

“Thương nhau chia củ sắn lùi / Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Đã là người Việt, có lẽ ai cũng thuộc nằm lòng câu thơ của Tố Hữu khi nói về tình nghĩa anh em Việt - Lào; nói về tình cảm của hai dân tộc anh em trong kháng chiến, giúp nhau vượt qua cơn đói, rét nơi vùng cao biên giới những ngày kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Việt - Lào nghĩa nặng tình sâu, từng chung lưng đấu cật trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù chung, sẵn sàng chia cho nhau từng con chữ để hiểu nhau hơn, đồng cảm hơn và gắn bó hơn...

 Ông Khăm-phèn Chăn-kông-xín giới thiệu với Thảo những vị lãnh đạo của đất nước Lào qua các thời kỳ

Du học tiếng Lào

Champasak là miền đất trù phú thuộc Nam Lào. Nơi đây, không chỉ có hoạt động buôn bán, kinh doanh mà còn có cả hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục sôi động. Đặt chân đến Champasak, chúng tôi đã nghe văng vẳng âm thanh người Việt học tiếng Lào, người Lào nói tiếng Việt.

 Lớp học tiếng Lào của sinh viên Việt Nam tại Pakse, Champasak

Sabaidi - xin chào! Là câu đầu tiên mà chúng tôi nghe được không chỉ từ những người bạn Lào khi gặp mặt, mà thú vị hơn, đó còn là câu nói quen thuộc từ chính những du học sinh của Việt Nam tại Lào. Phạm Thị Thanh Thảo, một nữ học sinh Việt Nam, đến từ huyện Tân Uyên, Bình Dương đã để lại trong tôi nhiều ký ức về chuyện người Việt học tiếng Lào. Thảo cho biết, hiện nay Bình Dương có 2 sinh viên đang học tiếng Lào ở Champasak theo chương trình hợp tác giữa hai tỉnh đã ký kết, với thời gian học 9 tháng. Dù nói tiếng Lào chưa rành lắm do mới chỉ học được hơn 4 tháng, nhưng cũng đủ để Thảo phiên dịch cho chúng tôi những điều cơ bản khi tham quan, tìm hiểu thực tế trong những ngày lưu lại tại Champasak. Nhờ đó, chúng tôi mới có điều kiện để giao lưu với nhiều đối tượng khác nhau, từ anh bảo vệ đến ban quản lý và lãnh đạo chợ Đào Hương nhằm khai thác thông tin, đáp ứng nhu cầu tác nghiệp cho chuyến đi. Ông Khăm-phèn Chăn-kông-xín, Giám đốc chợ Đào Hương, khá bất ngờ trước cô hướng dẫn viên học sinh này. Vì thế, ông Chăn-kông-xín tỏ ra rất vui vẻ và niềm nở khi giới thiệu về những hình ảnh lịch sử của chợ cũng như những người lãnh đạo đất nước Lào treo quanh phòng làm việc để Thảo hiểu, phiên dịch cho chúng tôi.

Từ sự hỗ trợ của Thảo, rời chợ Đào Hương, tôi bập bõm tập nói tiếng Lào để chia tay những người tại đây: Khọp-chay-lãi-lai (cám ơn rất nhiều) và La-còn (tạm biệt)... Tiếng Lào là thế đấy, khó không anh? Thảo hỏi. Tiếng Lào khó mà không khó, khó là lúc đầu mới tiếp cận, hơn nữa khi yêu đất nước Lào, con người Lào ắt hẳn sẽ yêu cả giọng nói Lào. Và một khi đã yêu thì khó biến thành dễ, tôi thầm nghĩ như thế trước câu hỏi của Thảo.

Đến với bản làng của Lào, chùa Lào và những nơi khác, Thảo và Hạnh - một nữ học sinh cùng quê với Thảo đã không ngại vất vả, nắng gió để theo chân đoàn, hỗ trợ phiên dịch khi gặp người cần trao đổi. Nhờ đó, tôi học thêm được mấy từ tiếng Lào để làm “bảo bối” khi giao lưu với các bạn Lào, như: Kin-khảu (ăn cơm), kin-nậm (uống nước), hạ-síp (50%) hay kin-mốt (100%)... Theo Thảo và Hạnh, những lúc rảnh rỗi, hai em thường đi tham quan, mua sắm tại chợ, ngoài phố để tiếp xúc với người Lào, nhằm tăng cường khả năng nghe và nói tiếng Lào.

Cô Sam-seng-say-ni-a-sỏn cho biết, trước đây từng là sinh viên học tiếng Việt tại Đại học Huế. Sau khi hoàn thành chương trình du học, cô trở về dạy tiếng Lào cho sinh viên Việt Nam, tính đến nay đã được 5 năm, tổng cộng 5 khóa học với hơn 100 em. Các khóa trước, học sinh Việt Nam đa phần đều đạt giỏi, khá tiếng Lào. Riêng năm nay, tuy mới học được gần 5 tháng nhưng học sinh Việt Nam đã nói được, đọc được tiếng Lào. Tinh thần học tập của các bạn Việt Nam rất chăm chỉ, siêng năng. “So với sinh viên các nước khác, sinh viên Việt Nam học tiếng Lào giỏi và nhanh hơn”, cô Sam-seng-say-ni-a-sỏn nói. Ngoài cán bộ của tỉnh Bình Dương được cử đi học tiếng Lào ở Champasak, còn có các học sinh khác đến từ các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... cùng học tại đây, cùng nhau chia sẻ con chữ, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống hàng ngày.

Người Lào sành tiếng Việt

Ở Champasak, người Lào nói được tiếng Việt không nhiều, nhưng trong đội ngũ cán bộ cốt cán ở đây hầu hết đều nói được tiếng Việt, dù ít hay nhiều. Người đầu tiên nói tiếng Việt mà chúng tôi gặp là Bun-Hiếu (người gốc Việt), một cán bộ của Sở Ngoại vụ tỉnh Champasak và cũng là người hướng dẫn đoàn làm việc, tham quan từ ngày đầu đến lúc chia tay, tất cả đều bằng tiếng Việt. Tiếp theo là các anh Thaobon, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Champasak và Khamsi, Phó Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch Champasak. Cả hai anh đều còn rất trẻ, đều là du học sinh tại Việt Nam nên nói tiếng Việt rất sành. Nhờ đó, quá trình tiếp cận, khảo sát và tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước Lào nói chung và tỉnh Champasak nói riêng đều rất thuận lợi, sâu sát.

 Thảo và Hạnh, hai du học sinh Bình Dương tại Champasak tại lễ cầu may theo phong tục người Lào

Ngoài những người nói trên, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, ông Bounthong Divixay cũng là một người nói tiếng Việt rất giỏi. Ông từng là du học sinh tại Hà Nội 10 năm, nên không chỉ học tiếng Việt mà còn học chuyên môn và lấy bằng tiến sĩ ở Việt Nam. Trong buổi giao lưu, ông Bounthong Divixay đã trao đổi một cách cởi mở, tâm sự nhiều kỷ niệm đẹp về Việt Nam bằng tiếng Việt với tình cảm gần gũi, chân tình. Ông cho biết, từ năm 2008-2011, tỉnh Bình Dương đã giúp Champasak đào tạo 20 cán bộ đại học và ngược lại Champasak cũng đã nhận đào tạo được 4 cán bộ của Bình Dương học tiếng Lào.

Điều khá thú vị là khi chúng tôi đang “bí” tiếng Lào đành sử dụng tiếng Anh để giao tiếp tại một nhà hàng ở Pakse, thì bỗng nhiên một cô gái Lào - sau đó mới biết cô là chủ tiệm uốn tóc và là khách hàng của nhà hàng, đã bất ngờ liên tiếng: “Xin chào, các anh dùng gì để em gọi giúp”. Nhờ sự giúp đỡ của cô gái Lào mà chúng tôi có được một bữa ăn ngon, vừa miệng với các món đặc sản của nước bạn Lào kèm mấy chai bia to đùng. Qua trò chuyện với chúng tôi, cô gái chủ tiệm uốn tóc cho biết cô học tiếng Việt ngay tại Pakse chỉ vì yêu thích tiếng Việt. Nhờ đó, khi gặp du khách đến từ Việt Nam cô đều vui vẻ, tự nguyện làm phiên dịch giúp họ, “vừa để thỏa sự yêu thích tiếng Việt, vừa để nâng cao khả năng nói tiếng Việt”, cô gái uốn tóc cho hay. Rời nhà hàng mà trong lòng ai nấy đều lâng lâng, dạt dào không biết vì men bia hay vì cô gái Lào vui tính, dễ thương mới gặp!

Tất cả những điều đó hòa quyện và biến thành thứ tình cảm vô bờ bến, khó lòng tả hết, bởi tình nghĩa anh em hai nước Việt - Lào đã ngấm sâu trong máu tự bao giờ. “Việt Nam - Lào, Bình Dương - Champasak samaki” (samaki tức đoàn kết, hữu nghị - PV), câu nói ấy của những người anh em vẫn còn lắng đọng mãi trong chúng tôi kể từ ngày tạm biệt Pakse.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=603
Quay lên trên