Với tư duy đổi mới, sáng tạo và kế thừa những thành quả trong những năm qua, Bình Dương đã có những bước đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra không gian phát triển mới.
Bình Dương đang tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để mở rộng không gian phát triển, hài hòa khu vực đô thị, nông thôn. Tỉnh cũng đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, tuyến Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành…
Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tích cực phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc… theo quy hoạch vùng, nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, Bình Dương xác định, khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Dương có những bước đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Trong ảnh: Đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương
Triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh - Vùng ĐMST, nhiều năm qua tỉnh đã tập trung phát triển hệ sinh thái ĐMST; thu hút và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh - công nghiệp 4.0. Đồng thời, Bình Dương đã triển khai xây dựng Khu công nghiệp (KCN) KHCN với kỳ vọng KCN này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN thông minh, từng bước giúp Bình Dương có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên nền tảng khoa học - kỹ thuật, chuẩn bị đón đầu các thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của công nghiệp 4.0. Nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh giải thưởng cao nhất của năm 2023 - Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu Top 1 ICF 2023.
Để xây dựng thành công đề án Thành phố thông minh, đưa Bình Dương phát triển trong giai đoạn mới, quy hoạch tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương là tỉnh dẫn đầu về KHCN và ĐMST; trở thành động lực tăng trưởng, góp phần đưa Bình Dương trở thành địa phương thực sự phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp hiện đại, đạt mức thu nhập trung bình cao, phát triển toàn diện nhiều lĩnh vực.
Theo đó, Bình Dương sẽ chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua ĐMST, KHCN hiện đại, cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng. Phát triển hệ sinh thái mới tập trung cho ĐMST với sự chuẩn bị đầy đủ về quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng KHCN cao, trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
- Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là “kim chỉ nam” cho các định hướng phát triển tiếp theo, đóng vai trò như “dây cương” để điều tiết, phân phối và kiểm soát sự phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. - Thạc sĩ - Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội, Chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch tỉnh Bình Dương: Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công khai minh bạch, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chuyên gia, nhà khoa học… đồng hành cùng tỉnh thực hiện sáng tạo các đột phá phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là tổ chức thực hiện quy hoạch, đòi hỏi nguồn lực tập trung rất lớn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền của tỉnh, sự hợp tác với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện các chương trình dự án đột phá chiến lược, tháo gỡ các khó khăn, rào cản của cơ chế chính sách hiện hành. |
PHƯƠNG LÊ