Vài năm trở lại đây, sản phẩm Việt Nam liên tục được các nhà bán lẻ trong và ngoài nước như Metro, Big C, Co.opMart... tăng cường giới thiệu với người tiêu dùng (NTD), doanh thu bán hàng Việt Nam qua các kênh phân phối này cũng tăng dần qua từng năm. Tuy vậy, theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại Bình Dương chương trình này vẫn còn những hạn chế nhất định. Để tạo được sức lan tỏa, đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, còn nhiều việc phải làm! Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế
NTD tin dùng hàng Việt
Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của NTD được phát hiện chủ yếu vẫn là hàng ngoại nhập, trong khi hàng Việt rất an toàn, đã dần chiếm lĩnh lòng tin của NTD. Tại các gian hàng trong siêu thị (ST), hầu hết các mặt hàng được bày bán đều là hàng có xuất xứ trong nước. Theo Giám đốc Co.opMart Bình Dương Võ Hữu Thạch, từ khi mới thành lập vào năm 1995, hệ thống Co.opMart phân phối 50% hàng Việt, nhưng qua quá trình phát triển, cơ cấu hàng hóa của hệ thống đã chuyển dần sang hàng Việt. Đặc biệt, từ năm 2009, hưởng ứng CVĐ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, hàng Việt đã chiếm tới 90% trên quầy hàng của siêu thị (ST).
Tại ST Vinatex Dĩ An, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, sữa, mì tôm, quần áo thời trang chiếm tỷ lệ 95% sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước. Giám đốc ST Vinatex Dĩ An Đoàn Thanh Phương, cho hay hiện ST có tới 95% các sản phẩm là hàng Việt, tương đương với hơn 60.000 mặt hàng đang được bày bán. Còn tại ST Citimart Bình Dương, đại diện ST này cho biết, trước đây các mặt hàng nhập khẩu chiếm khoảng 15% tổng số mặt hàng kinh doanh là để thêm sự lựa chọn cho khách hàng, nhưng nay con số này cũng đã giảm dần về mức 5%...
Lý do hàng Việt chiếm ưu thế tại các ST là do các DN đã hướng về NTD, các sản phẩm của DN Việt ngày càng được cải tiến về mẫu mã bao bì, an toàn, chất lượng. Các ST nhìn nhận, văn hóa tiêu dùng mua hàng nội của người Việt hiện nay đã hình thành khá rõ nét. Tâm lý sính ngoại của người Việt không còn nhiều, NTD có xu hướng chọn hàng nội nhiều hơn. Điều này thể hiện rõ qua doanh số bán hàng Việt ngày càng có xu hướng tăng.
Chị Vương Kim Loan (Phú Cường, TP.TDM), cho biết thông thường khi mua sữa cho con, chị tìm mua sữa Việt Nam. “Trước đây, tôi bị bạn bè gán cho biệt danh là người sính ngoại. Từ 3 năm trở lại đây, thói quen sử dụng hàng ngoại của tôi đã không còn. Tôi nhận thấy hàng Việt ngày càng tốt hơn, giá cả lại ổn định, nên tôi rất yên tâm khi chọn sử dụng hàng Việt”, chị Loan thú nhận. Là người ủng hộ mạnh mẽ hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thy Anh (xã An Sơn, TX.Thuận An), phát biểu chính kiến: “Theo tôi, dùng hàng Việt là yêu nước, góp phần làm cho đất nước ngày càng lớn mạnh. Vì vậy, người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam là hành động thiết thực nhất thể hiện lòng yêu nước. Ngoài ra, sử dụng hàng Việt còn tiết kiệm được chi phí cho gia đình...”.
Hàng Việt vào chợ truyền thống còn ít
Từ năm 2009 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, đây chính là cơ hội để CVĐ ngày càng lan tỏa. Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Dương Nguyễn Tấn Lộc, cho biết qua 3 năm thực hiện CVĐ, với sự góp sức nhiệt tình của các ngành, các cấp bước đầu CVĐ đã có những biến chuyển tích cực, tạo thành phong trào và thu hút sự tham gia đông đảo, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, từ các chương trình xúc tiến thương mại, như: Đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ vui, bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân một số khu, cụm công nghiệp tập trung và ở nông thôn trên hầu khắp các huyện, thị với chất lượng tốt, giá ưu đãi, đã góp phần tạo điều kiện cho công nhân, nhân dân ở nông thôn có điều kiện tiếp cận hàng Việt Nam... Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, CVĐ vẫn còn một số hạn chế, đó là sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các đoàn thể, giữa các ngành nên phong trào hưởng ứng CVĐ thiếu tính liên tục, thường xuyên; số lượng các DN hưởng ứng các phiên chợ còn ít; chưa có chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống...
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, tại các chợ truyền thống hiện nay tuy vẫn có hàng Việt, nhưng những thương hiệu mạnh vào chợ chưa nhiều. Thực tế công tác kiểm tra kiểm soát thị trường cho thấy, ở các chợ truyền thống, hàng hóa nước ngoài, hàng hóa không rõ xuất xứ đang được bày bán nhan nhản. Do đó, NTD đi chợ chưa có nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất. Nguyên nhân khiến các nhà sản xuất còn e ngại khi đưa hàng vào chợ cũng chính do cách nhìn của NTD đối với sản phẩm là... hàng “chợ”! Cùng với đó là công tác kiểm soát thị trường còn bất cập, phần nào làm ảnh hưởng đến niềm tin của NTD đối với hàng Việt. “Để tăng hiệu quả tuyên truyền, tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hoạt động khuyến khích nhà sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và mở rộng hệ thống bán lẻ đến NTD, nhất là NTD vùng sâu vùng xa và tại các chợ truyền thống”, ông Nguyễn Tấn Lộc nhấn mạnh
“Hệ thống phân phối hàng hóa của các công ty về chợ truyền thống vẫn còn yếu kém, từ đó hàng Việt đến với NTD còn rất hạn chế. Ngay từ khi đi vào hoạt động, chúng tôi đã sớm có chiến lược mở rộng kênh phân phối về các huyện Bến Cát, Tân Uyên... để đưa hàng Việt đến với bà con. Thực tế cho thấy, việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng bình ổn giá ở vùng sâu, vùng xa chỉ là biện pháp trước mắt. Để hàng Việt phủ khắp thị trường, nhất là các khu vực nông thôn, cần hình thành chuỗi cửa hàng tiện ích, quầy bán hàng xuyên suốt tại các chợ thay vì chỉ bán một vài ngày rồi đi. Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để ST đưa hàng Việt đến gần NTD một cách lâu dài, bền vững hơn.
(Giám đốc ST Co.opMart Bình Dương Võ Hữu Thạch)
Trúc Huỳnh