Đưa hàng Việt về huyện Bàu Bàng

Cập nhật: 21-12-2021 | 09:17:51

Việc đưa hàng tết về khu vực ngoại thành đã, đang góp phần giúp người dân khu vực xa trung tâm có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp.


Ban tổ chức ủng hộ 30 phần quà cho người dân, hộ gia đình và công nhân lao động tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn

Đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không chỉ là cầu nối, mà chương trình còn tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng. Để phiên chợ đáp ứng nhu cầu, cũng như mong muốn của người tiêu dùng, Sở Công thương tiếp tục giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại & Phát triển công nghiệp phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Bàu Bàng, UBND xã Lai Uyên, Công ty TNHH Mekong Expo cùng các doanh nghiệp địa phương tổ chức chương trình phiên chợ hàng Việt năm 2021 trên địa bàn huyện Bàu Bàng, thời gian diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 18 đến ngày 25-12-2021 tại khu Trung tâm Hành chính huyện Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.

Theo ông Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại & Phát triển công nghiệp (Sở Công thương), chương trình là cầu nối để các doanh nghiệp Việt mang đến những sản phẩm, hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân và thanh niên công nhân trong khu vực và các vùng lân cận nhân dịp cuối năm, tết đến xuân về. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường và mở rộng mạng lưới kinh doanh, đặc biệt sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Ông Dũng khẳng định việc tổ chức phiên chợ hàng Việt năm 2021 tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng năm nay vừa là thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là niềm động viên rất lớn của Ban Tổ chức chương trình, bởi ngoài việc tổ chức bán hàng Việt có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng với giáưu đãi phục vụcho nhân dân thìchương trình còn làdịp đểtất cả chúng ta chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho bà con nông dân, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và vùng nông thôn trong tỉnh.

Để chương trình đạt hiệu quả, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại & Phát triển công nghiệp đã phối hợp UBND huyện, đơn vị phối hợp tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Điều đáng nói là, tại phiên chợ các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo. Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, cho nên hàng Việt đang ngày càng được khách hàng ngoại thành ưa chuộng.

Giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm

Thực tế, thông qua Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần. Còn về phía người tiêu dùng nông thôn, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú của các doanh nghiệp Việt Nam, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến hàng gia dụng, điện tử, nội thất gia đình... Họ có thể thật sự yên tâm vào các sản phẩm mà doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm.


Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại & Phát triển công nghiệp thăm các gian hàng tại hội chợ

Với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, cùng với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả phù hợp đã giúp nhiều người dân; trong đó có cả những người thu nhập thấp vui hơn trong dịp cuối năm. Háo hức và mong chờ là tâm lý chung của nhiều công nhân và người lao động tại khu vực ngoại thành hay các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn trước những phiên chợ hàng Việt được ngành công thương tổ chức. Người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Chị Hoàng Thị Minh, công nhân Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) cho biết: “Là công nhân, quanh năm bận rộn, cuối năm mới có thời gian mua sắm, cho nên phiên chợ về nông thôn luôn được chúng tôi chờ đón. Bởi lẽ, hàng hóa bán tại đây không chỉ bảo đảm chất lượng, mà luôn rẻ hơn thị trường. Quan trọng nhất là mình có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, khi tham gia phiên chợ Việt họ gần như không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Thậm chí rất nhiều mặt hàng doanh nghiệp chỉ bán bằng giá vốn, song đổi lại các sản phẩm của họ được nhiều người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, nên đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn. Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Công ty Ganolusi Trường Sinh cho biết ông đến với hội chợ hàng Việt không phải để tìm kiếm lợi nhuận mà là muốn quảng bá sản phẩm của công ty đến với người tiêu dùng. Và thông qua đó muốn trực tiếp nhận được sự phản hồi từ người tiêu dùng để ngày càng hoàn thiện sản phẩm theo hướng tốt hơn. Cuộc vận động đã góp phần khích lệ, động viên doanh nghiệp đổi mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục đồng hành cùng ngành công thương trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường như: Phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về khu công nghiệp; chương trình bán hàng Việt khuyến mại…

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Phạm Thanh Dũng cho biết ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn chân thành các doanh nghiệp tham gia phiên chợ lần này, vì đã tích cực hưởng ứng tham gia bán hàng với giá ưu đãi cho nhân dân, đồng thời ủng hộ 30 phần quà cho người dân, hộ gia đình và công nhân lao động tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn trong dịp này.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian tới ngành công thương tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thiết thực, phối hợp với các sở, ngành trong việc, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số doanh nghiệp bán hàng; đồng thời hỗ trợ để các doanh nghiệp giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Bình Dương...

Trải qua hơn 12 năm hưởng ứng chủ trương của Bộ Chính trị và triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua chuỗi sự kiện phiên chợ hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đến nay hoạt động đã trở thành một phần không thể thiếu của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam trong suốt thời gian qua; đồng thời đây là cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp tích cực sản xuất, kinh doanh bảo đảm ổn định cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.

(Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại & Phát triển công nghiệp)

TIỂU MY - KIM HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên