Bài 1: Đừng để hàng hóa nước ngoài dựng “hàng rào” trên đất mình!
Thị trường là nơi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp (DN) và người sản xuất hàng hóa. Có một thời các DN và người dân trong nước cứ làm theo thói quen là sản phẩm của mình chất lượng, tiêu thụ ngay trong nước mình thì không phải lo cạnh tranh và kết quả là ta đã thua! Thua vì sau khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa nước ngoài tràn đến chiếm lĩnh thị trường và “dựng hàng rào” ngay trên đất mình! Cùng với thế mạnh về chất lượng, hàng Việt đang ngày càng chú trọng nhiều hơn về hình thức, mẫu mã. Trong ảnh: Bao bì sản phẩm mít sấy mang thương hiệu Vinamit được cải tiến mẫu mã
Từ bài học “Quán ăn cây dừa”…
Nhắc đến bài học này, không chỉ DN mà cả ngay giới “ngồi quán” cũng phải ngậm ngùi xác nhận “thương trường là chiến trường”! Mặc dù câu chuyện xảy ra đã lâu và ít nhiều bị thời gian phủ lớp bụi mờ, nhưng bài học rút ra sau vụ án đó đã góp phần “đánh thức” và làm thay đổi rất lớn về suy nghĩ và hành động của nhiều nhà quản lý DN, điều hành kinh tế.
Giám đốc một công ty phân phối rượu bia, nhớ lại: “Công nghệ sản xuất, chất lượng bia của Việt Nam không thua kém các thương hiệu quốc tế, nhưng để “cấm cửa” các loại bia và nước giải khát sản xuất trong nước vào các nhà hàng, quán ăn đông khách, các hãng bia nước ngoài đã “mua đứt” các chủ nhà hàng, quán ăn trên bằng cách “tài trợ lợi nhuận” mỗi năm từ 200 - 500 triệu đồng với điều kiện: Phải treo bảng quảng cáo, băng-rôn giới thiệu cho sản phẩm của họ và không được bán sản phẩm khác ngoài hợp đồng. Việc tài trợ đều có biên nhận và hợp đồng hẳn hoi. Số tiền đó được xem như “lợi nhuận bán hàng mà các chủ nhà hàng, quán ăn có được từ việc bán sản phẩm “bị cấm bán” ngay tại nhà hàng, quán ăn của mình”! Vị này giải thích thêm: “Chỉ với một mũi tên mà hãng bia đó buông ra đã trúng được 3 mục đích quan trọng là: Các chủ nhà hàng quán ăn có lợi nên cố gắng bảo vệ, duy trì hợp đồng; nhà tài trợ “trói tay trói chân” đối thủ ngay tại sân nhà của họ; từng bước tạo thói quen sử dụng bia mới cho khách hàng sở tại”.
Từ bài học trên, chúng ta càng thấm thía hơn thông điệp của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển gửi đến CB-CNVC ngành thương mại - du lịch tỉnh Bình Dương sau sự kiện Việt Nam gia nhập WTO: “Hội nhập quốc tế sẽ có những kinh nghiệm không còn giá trị”. Trong trường hợp này, hiểu nôm na là dù sản phẩm có uy tín, chất lượng mà không làm tốt công tác tiếp thị, quảng cáo thương hiệu, cứ ngồi nhà chờ khách hàng tìm đến thì khả năng bị khách hàng quên lãng sẽ rất cao, mà bài học xà bông Cô Ba, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… là những trường hợp điển hình dễ thấy.
Đến nỗi buồn cá rô đầu vuông!
Nhờ hội nhập kinh tế quốc tế mà trình độ quản lý, năng lực sản xuất của DN và người dân trong nước được nâng lên. Một số ngành như sản xuất giống và chăn nuôi phát triển nhanh, mang lại lợi nhuận lớn. Trong đó nuôi cá diêu hồng, cá rô đầu vuông, cá lóc môi trề… là những mô hình điển hình, làm thay đổi cuộc sống của khá nhiều nhà nông thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tham gia cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhờ tính cần mẫn, chịu khó học hỏi, tiếp thu của người nông dân mà sản lượng, chất lượng sản phẩm làm ra ngày một tăng, hiệu quả mang về ngày một lớn. Rồi có một ngày không biết từ đâu xuất hiện tin đồn “ăn cá rô đầu vuông, cá diêu hồng bị ung thư”. Các ngành chức năng, nhà khoa học phải vào cuộc, nghiên cứu, rồi công bố kết quả đây chỉ là tin đồn thất thiệt, xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh. Vâng, là tin đồn nhưng hậu quả để lại là nhiều chủ ao, chủ bè phải ngậm ngùi bán đổ bán tháo sản phẩm và treo ao, treo bè!
Do thiếu thông tin, dự báo thị trường mà nhiều chủng loại hàng hóa trong nước đã bị đối thủ nước ngoài “dựng hàng rào” kỹ thuật ngay trên đất mình! Để dành lại thị trường cho hàng hóa trong nước, Phó Giáo sư Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco, không ngần ngại nói thẳng: “Các nước xung quanh ta làm rất tốt công tác bảo vệ thương hiệu hàng hóa trong nước bằng rất nhiều hình thức, chương trình thiết thực. Chúng ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm bằng cuộc chiến đấu ngoan cường, mưu trí, thì trên mặt trận thương mại chúng ta cũng phải chiến đấu để giành giật từng khách hàng, làm chủ cho được từng điểm bán lẻ một trong mọi tình huống”.
“Thương trường là chiến trường”, cuộc chiến giành giật thị trường đang diễn ra và ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam gia nhập ngày càng sâu hơn, rộng hơn và nếu chúng ta thiếu thận trọng, không làm chủ được chính mình thì thị trường trong nước sẽ trở thành “sân nhà” của những ông chủ nước ngoài!
Bài 2: Kinh nghiệm từ thành công của Bia Sài Gòn - Sabeco
DUY CHÍ