Học sinh các điểm lẻ của trường Tiểu học - THCS Tam Lập (Phú Giáo):

Đường đến trường đã “gần hơn” 

Cập nhật: 25-08-2015 | 09:57:32

Chúng tôi có dịp trở lại thăm các điểm lẻ của trường Tiểu học - THCS Tam Lập (Phú Giáo). Con đường dẫn vào các điểm trường nay đã được nhựa hóa thay cho con đường đất đỏ gập ghềnh trước đây. Đường đến trường của học sinh (HS) ở đây đã gần hơn, nhưng vẫn còn đó những gian nan, trắc trở.

 Giáo viên ở điểm lẻ Gia Biện 2 cần mẫn gieo chữ cho HS

 Giáo viên ở điểm lẻ Gia Biện 2 cần mẫn gieo chữ cho HS. Ảnh: A.SÁNG

Khát khao tìm chữ  

Từ trung tâm huyện đi khoảng 13km là đến điểm lẻ Cây Khô, đi thêm 3km nữa đến điểm lẻ Gia Biện 1, xa nhất là Gia Biện 2 cách 25km. Điểm trường Gia Biện 2 nằm nép mình bên vườn cao su, do một người có lòng hảo tâm hiến đất để xây dựng trường học cho HS nghèo. Trong cái tĩnh lặng của bạt ngàn cao su, tiếng trẻ ê a đọc bài, xóa đi không gian tĩnh mịch của vùng quê. Điểm lẻ này có 3 phòng học với 3 lớp 3, 4, 5. Tùy theo trình độ HS từng năm trường sẽ mở những lớp có trình độ khác nhau. Điều khác biệt rõ rệt ở trường vùng xa so với thị tứ là sĩ số HS rất ít. Ở những điểm trường này, số HS trong mỗi lớp càng ít hơn, mỗi lớp chỉ có 5 - 6 HS. 3 điểm lẻ của trường chỉ có 55 HS.

Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, HS ở đây đa số là con em lao động từ các tỉnh về đây làm thuê, làm mướn. Dù cuộc sống nghèo khổ nhưng họ vẫn không muốn con chịu cảnh thất học. Tam Lập là xã có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt. Từ nhà các em đến trường khoảng 7 - 10km, có em được cha mẹ chở đi, có em thì đi nhờ xe, thậm chí có lúc đi bộ, vậy mà các em vẫn chịu khó đến trường. Điều kiện đi lại đã khó, cuộc sống của những em này càng khó khăn hơn. Chỉ cần nhìn qua cách ăn mặc của các em là biết rõ điều đó. Cứ khoảng 10 HS mới có 1 em ăn mặc tươm tất, còn lại đa số các em mặc đồng phục do HS ở các trường khác tặng lại. Thậm chí có những em đến trường với bộ quần áo còn lem luốc mủ cao su. Cô Đỗ Thị Luyến, dạy lớp 4 cho biết, dù các em tiếp thu có chậm nhưng hầu hết đều mê học và ngoan hiền.

Khó khăn đối với giáo viên ở các điểm trường của Tam Lập là gần 50% HS ở các điểm lẻ này là người dân tộc Khơ-me. Có một số em những ngày đầu tiên đến trường nói tiếng Việt chưa rành, điều đó càng làm cho giáo viên khó khăn hơn. Đến trường, được tiếp xúc với HS dân tộc Kinh, cùng với sự cần mẫn dạy bảo các em từ những chữ cái đầu tiên, dần dần HS cũng đọc thông, viết thạo.

Cần mẫn gieo mầm tri thức

Có đến với các điểm lẻ của trường Tiểu học - THCS Tam Lập, chúng tôi mới cảm nhận đầy đủ nhiệt huyết của giáo viên ở nơi này. Quả thật, nếu không có cái tâm của người thầy, tấm lòng rộng mở với đàn em thân yêu thì giáo viên không thể bám trường bám lớp. Theo cô Nguyễn Thị Hòa, hầu hết giáo viên dạy ở 3 điểm lẻ đều trẻ, nhiệt tình, là người ở các xã An Bình, An Linh, Tân Hiệp… tình nguyện về đây giảng dạy. Họ chấp nhận đi dạy xa nhà 15km chỉ vì tương lai của bọn trẻ. Đó chính là cái tâm của người thầy hết lòng thương yêu HS. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều giáo viên gắn bó với các điểm lẻ ở ấp Gia Biện và ấp Cây Khô đã 5 - 6 năm. Thầy Trần Văn Lưu là một trong những giáo viên gắn bó lâu năm với các điểm lẻ của trường Tam Lập. Thầy đã có 21 năm đứng trên bục giảng, riêng tại điểm lẻ Gia Biện 2 thầy bám trụ đã 5 năm qua. Thầy tâm sự: “HS nghèo ở vùng xa chịu nhiều thiệt thòi. Những người thầy chúng tôi vừa là người thầy dạy chữ cho các em, vừa như cha mẹ dạy dỗ, giáo dục nhân cách cho các em”. Cái tâm của người thầy vùng xa còn được thể hiện qua việc chăm sóc, lo lắng cho HS. Dù cuộc sống của người thầy vùng xa còn khó khăn, nhưng các thầy cô sẵn sàng chia sẻ với HS, lúc thì cây viết, lúc quyển tập, hoặc chiếc áo mới.

Lần trở lại các điểm lẻ này, chúng tôi chợt buồn khi hay tin thầy Kim Bá Phong đã mất cách nay khoảng 1 năm do bệnh hiểm nghèo. Thầy Phong là người đầu tiên xung phong về dạy ở điểm lẻ này. Cũng nhờ có thầy mà điểm lẻ ở Gia Biện mới duy trì hoạt động trong nhiều năm qua. Đang giảng dạy yên ổn và gần nhà ở An Bình, nhưng chỉ vì muốn đem con chữ về cho HS ở những vùng hẻo lánh của xã Tam Lập, thầy đã tình nguyện ngày ngày vượt hàng chục cây số về đây dạy. Bản thân thầy Phong là người dân tộc Khơ-me nên thầy cũng muốn các HS dân tộc mình được khai sáng tâm hồn, mở mang kiến thức.

Để HS ở các điểm lẻ yên tâm đến trường, hàng năm địa phương, nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, giảm các khoản đóng góp cho các HS. Bởi, chăm lo việc học cho HS nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa đã nói như vậy. 

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=733
Quay lên trên
X