Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành, địa phương vừa có buổi tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo ở một số phường: An Thạnh, TX.Thuận An; Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An. Tại buổi đối thoại, người nghèo mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn vay, dạy nghề, việc làm và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ý kiến của hộ nghèo
Có mặt tại các buổi đối thoại với hộ nghèo được tổ chức tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự cởi mở, chân tình của bà con. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã nhiệt tình trả lời và giải đáp thấu đáo các thắc mắc, kiến nghị của người nghèo. Để buổi đối thoại diễn ra có chất lượng, các cán bộ giảm nghèo việc làm ở 2 phường An Thạnh và Tân Đông Hiệp đã chủ động định hướng các vấn đề mà người nghèo quan tâm. Nhiều cán bộ khu phố tích cực phát huy tinh thần làm việc chắt lọc, tập hợp ý kiến gúp người nghèo nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.
Lãnh đạo các sở, ngành tham gia buổi đối thoại và tuyên truyền chính sách giảm nghèo
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, các sở, ngành, địa phương đã nhận được gần 20 ý kiến của người nghèo. Những băn khoăn, trăn trở cũng như nguyện vọng của người nghèo tập trung vào các lĩnh vực như: Chính sách tín dụng, việc làm cho lao động đô thị, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học bổng cho con em hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo... Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chia sẻ những khó khăn trong việc thoát nghèo của gia đình.
Vài năm trước đây, do tai nạn giao thông, chồng chị Nguyễn Thị Tú, phường An Thạnh qua đời để lại 3 con nhỏ. Một mình chị Tú phải lao động cực nhọc lo cho các con ăn học trong khi nghề phụ hồ của chị rất bấp bênh, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Nhân buổi gặp gỡ, chị Tú có nguyện vọng vay vốn mua xe bán hủ tiếu ngoài chợ để kiếm thêm thu nhập. Hay trường hợp của anh Hồ Văn Lợi ở phường Tân Đông Hiệp mong muốn được học nghề lái xe nâng để có việc làm ổn định. Được biết, gia đình anh Lợi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con mắc bệnh động kinh, vợ anh lại thường xuyên đau bệnh.
Có thể thấy, cuộc đối thoại diễn ra như cuộc gặp gỡ thân tình, ngành chức năng luôn lắng nghe, giải đáp thắc mắc những vấn đề liên quan đến chính sách hộ nghèo. Ông Đỗ Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp cho biết: “Các ý kiến đã giúp cho Ban giảm nghèo phường nắm rõ thêm tình hình thực tế và nhu cầu của các hộ; từ đó có những giải pháp cụ thể giúp các hộ thoát nghèo bền vững”.
Tuyên truyền chính sách
Qua đối thoại, các sở, ngành, địa phương đã nắm sát hơn thực tế, điều kiện hoàn cảnh, nhu cầu cụ thể của từng hộ nghèo. Từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt tại buổi đối thoại, người nghèo còn được cán bộ thông tin thêm về các chính sách dành cho người nghèo. Các nội dung trọng điểm được tuyên truyền như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; các chính sách hỗ trợ người nghèo, giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng trong cộng đồng dân cư...
Ngoài chính sách của Trung ương, Bình Dương cũng thực hiện hàng loạt chính sách riêng như: Chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Bà Trịnh Thị Huyền, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết việc tổ chức buổi tiếp xúc với hộ nghèo có ý nghĩa rất quan trọng. Qua việc tiếp xúc, đối thoại, các ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có liên quan để cùng tìm ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo, giúp người nghèo có thêm động lực và nguồn lực để vươn lên thoát nghèo bền vững.
KIM HÀ