Gặp lại nữ anh hùng trong chiến thắng Hàm Rồng năm xưa

Cập nhật: 04-04-2010 | 00:00:00

Người phụ nữ đã vào tuổi xế chiều, mái tóc ngả màu muối tiêu, trên khuôn mặt chữ điền đã xô nhiều nếp nhăn, nhưng từ ánh mắt, nụ cười vẫn toát lên vẻ thân thiện và cương nghị của một nữ anh hùng xứ Thanh…

 

Sau nhiều lần hẹn gặp không thành do lịch làm việc của cô quá dày đặc, cuối cùng tôi cũng gặp được cô vào một buổi chiều cuối tháng 3, khi nhân dân tỉnh Thanh Hoá đang ráo riết chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng. Cô là Ngô Thị Tuyển - người con gái năm xưa vác trên vai một lúc hai hòm đạn xông ra giữa trận tuyến “tiếp lửa” cho bộ đội.

  Hình ảnh người con gái Ngô Thị Tuyển vác đạn năm xưa

 

Bằng chất giọng đầm ấm, cô hồi tưởng lại những ngày đạn bom bi hùng. Sáng ngày 3-4-1965, khi đó đạn pháo 37 li trên tàu gần cạn kiệt, chỉ cần ta ngừng bắn trả một phút là cây cầu Hàm Rộng có thể bị phá huỷ. Trong khi đó, trên bầu trời Hàm Rồng, máy bay địch gầm rú điên cuồng. Ý nghĩ cần phải tải đạn ra cho đồng đội thôi thúc cô.

 

Lúc đó hai hòm đạn đang dính vào nhau không tách ra được, tình thế cấp bách giữa sự sống và cái chết, cô gái trẻ Ngô Thị Tuyển quả quyết nhờ đồng đội nâng hai hòm đạn lên vai. Chính cô cũng không ngờ mình có đủ sức vác đạn chạy băng băng về phía sông.

 

Đêm hôm ấy, máy bay địch thi nhau trút bom xuống khu vực cầu Hàm Rồng, nhiều như “vãi trấu”. 20 đồng đội của cô đã hy sinh.

 

Có lần để chứng minh cho các nhà báo phương Tây thấy sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, cô Tuyển đã vác lên vai một bao khoai tây và một bao gạo với tổng trọng lượng 105kg, dù sau đó lưng cô đau nhói.

 

Cũng trong năm 1965, cô Tuyển lập gia đình. Đúng 5 ngày sau ngày cưới, chồng cô có lệnh lên đường sang Nam Lào chiến đấu và hy sinh. Đó là 5 ngày quá ngắn ngủi duy nhất trong cuộc sống vợ chồng đầu tiên của cô.

 

Sau ngày hòa bình lập lại, cô vinh dự được chọn là một trong những đại biểu Thanh Hoá đi dự Đại hội liên hoan anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4 (28-12-1966), Anh hùng LLVTND do Nhà nước trao tặng, Huy hiệu Bác Hồ (1967) và nhiều danh hiệu cao quý khác... 

 

Và điều hạnh phúc nhất đối với cô là ba lần được gặp Bác Hồ.

  Niềm vinh dự được Chủ tịch Quốc Hội tặng quà

 

 

Những huân huy chương, những phần thưởng cao quý không khỏa lấp được nỗi khát khao làm mẹ của cô Tuyển. Năm 1978, cô quyết định đi thêm bước nữa với ông Nguyễn Văn Nụ, một thương binh quê Hưng Yên. Niềm hạnh phúc chưa trọn, ông Nụ lại nhiễm chất độc màu da cam, không còn khả năng sinh con.

 

Cô và chồng đành nương tựa vào nhau và nhận nuôi cháu Diệu Linh - con của một đồng đội đã hy sinh - nên người. 

 

Ngoài những phụ cấp của Nhà nước về vật chất, cô Tuyển còn tăng gia sản xuất, chăm lo gia đình và tham gia các phong trào của địa phương. Đặc biệt, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng mỗi năm cô đều dành 10 phần quà, mỗi phần trị giá 600 ngàn đồng trao cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên